Trang chủ > Truyền thông > Giải pháp nào cho các vụ tràn dầu thảm khốc?
Tháng Một 10, 2024

Giải pháp nào cho các vụ tràn dầu thảm khốc?

Sự cố tràn dầu có thể xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau như tàu ​​chở dầu, các cơ sở khai thác và lưu chứa dầu. Sự cố tràn dầu từ tàu dầu thường là do vết rạn, nứt thủng ở thân tàu hoặc do va chạm. Các sự cố tràn dầu nghiêm trọng như sự cố ở bờ biển Li-băng năm 2006 hoặc vụ tai nạn Prestige năm 2002 ở ngoài biển Tây Ban Nha có thể là mối đe dọa nghiêm trọng đối với các loài sinh vật biển, thủy sản và các hệ sinh thái biển.

Sự cố tràn dầu khi xảy ra thường thu hút sự chú ý lớn của công chúng, tuy nhiên những sự cố như vậy thực sự chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng lượng dầu ô nhiễm. Theo báo cáo của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia năm 2003 (NRC), Oil in the Sea III: Inputs, Fates, and Effects (tạm dịch: Dầu trên biển III: Nguồn phát sinh, Số phận và Tác động), 70% dầu xâm nhập vào vùng biển là do hoạt động của con người; ở Bắc Mỹ tỷ lệ này là gần 85%. Phần lớn dầu chảy vào đại dương liên quan đến việc sử dụng dầu trên đất liền, đặc biệt là từ ngành vận tải – một ví dụ điển hình về nguồn gây ô nhiễm khuếch tán.

Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng con người không phải là tác nhân duy nhất phải chịu trách nhiệm về sự ô nhiễm dầu ở đại dương. NRC ước tính rằng gần một nửa lượng dầu xâm nhập vào đại dương là kết quả của các quá trình tự nhiên, bao gồm cả sự rò rỉ tự nhiên. Mặc dù một lượng lớn dầu đi vào đại dương từ hiện tượng ít biết đến và có vẻ vô hại này nhưng cũng làm thay đổi môi trường tự nhiên xung quanh. Tuy nhiên, theo thời gian, các sinh vật sống trong những khu vực này sẽ dần thích nghi và tạo ra các hệ sinh thái mà chúng có thể tồn tại, thậm chí phát triển. Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu hiện tượng này để hiểu rõ hơn về cách dầu làm thay đổi phương thức sinh sống của sinh vật.

Thiên tai như bão, lũ lụt cũng có thể gây ra sự cố tràn dầu. Ví dụ, cơn bão Katrina đã làm 7 triệu gallon dầu thoát ra ngoài hệ sinh thái, lượng dầu này có nguồn gốc từ các cơ sở lưu trữ, chế biến và các đường ống dẫn dầu. Trong năm 2007, lũ lụt ở Kansas đã khiến hơn 40.000 gallon dầu thô từ một nhà máy lọc dầu tràn vào vùng nước lũ, đe dọa cả hệ sinh thái địa phương và nước uống.

Giải pháp nào cho các vụ tràn dầu thảm khốc?

Phòng ngừa

Biện pháp hiệu quả và quan trọng nhất là ngăn chặn nguồn phát sinh ngay từ đầu. Ở Hoa Kỳ, Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) và Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia (NOAA) hợp tác để ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm dầu ở khu vực đại dương. Các tổ chức hợp tác quốc tế, ví dụ như Hiệp định MARPOL 73/78 (Ô nhiễm biển) của Liên hiệp quốc, có hiệu lực từ năm 1983 đã góp phần làm giảm lượng ô nhiễm dầu bắt nguồn từ ngành vận tải biển.

Chỉ một năm sau vụ tràn dầu Exxon Valdez 1989, Mỹ đã thông qua Đạo luật kiểm soát ô nhiễm dầu năm 1990, yêu cầu ngành công nghiệp xăng dầu phải thận trọng hơn để tránh xảy ra sự cố tràn dầu và phải có kế hoạch ứng phó khẩn cấp để xử lý khi có các vụ tràn đổ xảy ra. Ngoài ra, vào năm 2015, tất cả các tàu chở dầu hoạt động trên vùng biển Hoa Kỳ phải được thiết kế vỏ kép, do đó nếu vỏ tàu bên ngoài bị phá vỡ, vỏ bên trong sẽ chứa nhiên liệu.

Các hiệp hội quốc tế và các văn bản pháp luật ngày càng trở nên nghiêm ngặt hơn đã chứng minh được sự hiệu quả, từ năm 1989, các sự cố tràn dầu ngày càng ít đi. Một phương pháp khác là cải tiến các thiết bị định vị tàu chở dầu – đặc biệt là sự xuất hiện của các hệ thống định vị toàn cầu. Tuy nhiên, cũng giống như việc thiết kế vỏ tàu kép, công nghệ chỉ giúp ngăn ngừa sự cố nếu được sử dụng đúng cách.

Luật quốc tế, khởi nguồn là Công ước quốc tế về Sẵn sàng, Ứng phó và Hợp tác chống ô nhiễm dầu (OPRC), hiện nay đã được đề cập đến trong luật Hoa Kỳ, mặc dù không có hình phạt bồi thường thiệt hại nào đối với những chủ tàu gây ra sự cố tràn dầu. Việc cưỡng chế vẫn là một vấn đề nan giải vì các tàu chở dầu nước ngoài thường treo “cờ thuận tiện”, và được đăng ký tại các quốc gia có yêu cầu về an toàn hoặc thuế. Tuy nhiên, để chống lại vấn đề này, các nước có thể hạn chế các tàu có khả năng cung cấp tài liệu kiểm tra an toàn cập cảng của mình.

Khắc phục

Rất nhiều bài học đã được rút ra về cách xử lý sự cố tràn dầu kể từ sự cố Exxon Valdez. Ví dụ, một số phương pháp làm sạch được sử dụng sau sự cố tràn dầu Valdez đã vô tình gây thêm thiệt hại; cụ thể, việc xịt rửa bằng nước nóng với áp lực cao đã phá hủy cả trầm tích và chất dinh dưỡng hỗ trợ phục hồi hệ sinh thái.

 

 

Để ngăn ngừa tác động lan tràn khi sự cố xảy ra, chúng ta có thể quây chặn dầu bằng cách sử dụng rào chắn bằng vật liệu thấm hút hoặc dùng thuyền để vớt dầu trên bề mặt. Một phương pháp hữu ích khác là đốt tại chỗ, dầu sẽ bị đốt cháy ngay trong nước. Các công nghệ xử lý sinh học mới liên tục được phát triển bằng cách sử dụng các vi sinh vật để chuyển hóa các hydrocarbon thành các hợp chất ít độc hại hơn. Các nhà khoa học đang nghiên cứu những phương pháp mới để hạn chế ảnh hưởng của sự cố tràn dầu; thậm chí còn có những nghiên cứu sử dụng protein từ mồ hôi ngựa để giảm nhẹ thiệt hại môi trường.

Do không thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ tràn dầu trong quá trình khai thác, chế biến và vận chuyển dầu, cần phải có một kế hoạch chi tiết để làm sạch và hạn chế các tác động tiêu cực. Tuy nhiên, với các quy tắc và quy định ngày càng nghiêm ngặt, cùng với sự phát triển không ngừng của các nghiên cứu khoa học, số vụ tràn dầu cũng như mức độ thiệt hại nghiêm trọng cũng được giảm thiểu đáng kể.

Nguồn: Enviroliteracy

Biên dịch: Trang SOS

(Visited 8.553 times, 1 visits today)

    Bình luận

Bài viết liên quan

Tháng Một 10, 2024
DIỄN TẬP SỰ CỐ TRÀN DẦU TẠI KHO CẢNG BÌNH THẮNG

Chiều 25-12, Tổng Công ty Xuất nhập khẩu Thanh Lễ phối hợp với Trung tâm SOS Môi trường tổ chức buổi diễn tập sự cố tràn dầu tại Kho cảng xăng dầu Bình Thắng (TP.Dĩ An). Diễn tập xử lý sự cố tràn dầu ở Kho cảng Bình Thắng  Tình huống giả định, trong quá […]

Tháng Một 10, 2024
NHỮNG HÌNH ẢNH MỚI NHẤT CỨU HỘ LOẠT TÀU GẶP NẠN Ở BIỂN MIỀN TRUNG

Tới chiều 6-12, 4 tàu hàng gặp nạn và trôi dạt vào biển miền Trung vẫn lấp lửng trên sóng. Ở một vài nơi thời tiết xấu khiến việc cứu hộ, xử lý tràn dầu gặp khó khăn. Tàu New Energy mắc cạn tại vùng biển giáp ranh Quảng Nam với Quảng Ngãi Trung tá […]

Tháng Một 10, 2024
KHẨN CẤP ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU 4 TÀU SẮT DẠT VÀO BIỂN MIỀN TRUNG

Không chỉ tàu “ma” dạt vào Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) mà trên vùng biển miền Trung nhiều ngày qua ghi nhận 3 vụ tàu sắt gặp sự cố dạt vào bờ và buộc phải ứng phó, xử lý sự cố tràn dầu. Tàu Nam Phát 1 đang nửa chìm nửa nổi ở […]