Bắc Ninh chi hơn nghìn tỷ đồng, nhà máy vẫn xả thải ngay sát nhà dân
Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, UBND tỉnh Bắc Ninh đã triển khai nhiều dự án với kinh phí đầu tư hơn 1 nghìn tỷ đồng.
Trước phản ánh về tình trạng ô nhiễm nặng nề ở phường Phong Khê, TP Bắc Ninh do nhà máy sản xuất giấy gây ra, ông Lưu Xuân Hùng, Chi cục trưởng Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh) cho biết, làng nghề giấy Phong Khê là 1 trong 5 cơ sở thuộc danh mục cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng phải xử lý.
Hiện nay, phường Phong Khê có 204 cơ sở đang hoạt động với tổng sản lượng khoảng 200.000 tấn giấy/năm, lưu lượng nước thải khoảng 5.000m3/ngày, lượng chất thải rắn phát sinh khoảng 60 tấn/ngày.
Theo ông Hùng, qua các đợt thanh tra các doanh nghiệp cho thấy hầu hết các cơ sở sản xuất giấy ở phường Phong Khê không lắp đặt hệ thống xử lý nước thải. Biện pháp chủ yếu mà các cơ sở sử dụng là lắng lọc nước.
Ông Hùng nêu giải pháp: “Tỉnh đã hoàn tất xây dựng và đưa vào chạy thử nghiệm nhà máy xử lý nước thải tập trung tại phường Phong Khê giai đoạn 1 với công suất 5.000m3/ngày, xử lý nước thải các doanh nghiệp tại khu vực thôn Dương Ổ, CCN Phong Khê 1. Kinh phí đầu tư dự án gần 400 tỷ đồng”.
Theo thống kê lưu lượng nước thải các cơ sở sản xuất giấy ở Phong Khê khoảng 5.000m3/ngày, lượng chất thải rắn phát sinh khoảng 60 tấn/ngày.
Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Ninh đang triển khai dự án cải tạo, nâng cấp sông Ngũ Huyện Khê thuộc hệ thống thủy nông Bắc Đuống với tổng mức đầu tư hơn 679 tỷ đồng. Dự án đang trong quá trình cải tạo, nạo vét lòng sông đạt khoảng 90% khối lượng công việc.
Đồng thời cho phép công ty CP Đống Cao triển khai dự án xử lý cấp bách ô nhiễm môi trường khí thải làng nghề giấy Phong Khê với công nghệ đốt rác có tận dụng nhiệt để sinh hơi.
Tuy nhiên, tình trạng xả thải trực tiếp vẫn xảy ra thường xuyên, khói bụi vẫn bao trùm các thôn, đe dọa trực tiếp đến đời sống dân sinh.
Khó khăn xử lý ô nhiễm làng nghề
Theo ông Hùng: “Vì các DN đều xuất phát từ mô hình gia đình làm nghề giấy nên ý thức trong việc bảo vệ môi trường rất hạn chế, thậm chí có thời điểm khi đoàn công tác của Sở TN&MT xuống, các chủ DN không hợp tác và tìm mọi cách để né tránh”.
Từ cuối năm 2016, Sở TN&MT đã tham mưu với HĐND, UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành chính sách đối với xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, theo đó ngân sách của tỉnh hỗ trợ là 80%, các DN chỉ phải đóng góp 20% kinh phí.
Tuy nhiên, việc tham mưu nếu không có sự phối hợp tích cực của UBND cấp huyện, xã (phường) thì rất khó giải quyết.
Ông Hùng cho biết, riêng giai đoạn 2015-2016 Sở TN&MT đã phối hợp với UBND TP Bắc Ninh thành lập 3 đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất tại làng nghề Phong Khê và lập biên bản xử phạt hành chính đối với 6 cơ sở sản xuất giấy, đình chỉ hoạt động có thời hạn, tổng số tiền xử phạt hơn 1,3 tỷ đồng.
Thậm chí để ngăn chặn tình trạng xả thải gây ô nhiễm, Sở TN&MT còn phối hợp với điện lực cắt nguồn điện không cho các cơ sở vi phạm hoạt động.
Bên cạnh xử lý sai phạm, Sở TN&MT tỉnh phối hợp với các cấp trong việc gắn kết công tác bảo vệ môi trường trong quyết định cấp phép đầu tư. Theo đó, không cấp phép cho các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, tiến tới đình chỉ sản xuất.
Nguồn: Đoàn Bổng – Vietnamnet