BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI MÔI TRƯỜNG, PHẢI ĐÚNG VÀ ĐỦ!
Mục 2. TRÁCH NHIỆM YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI ĐỐI VỚI MÔI TRƯỜNG
Điều 112. Thông báo thiệt hại đối với môi trường
1. Việc thông báo cho cơ quan yêu cầu bồi thường thiệt hại khi phát hiện môi trường có dấu hiệu bị ô nhiễm, suy thoái theo quy định tại khoản 1 Điều 131 Luật Bảo vệ môi trường phải được thực hiện bằng văn bản bao gồm các nội dung như sau:
a) Thông tin của tổ chức, cá nhân phát hiện môi trường có dấu hiệu bị ô nhiễm, suy thoái;
b) Dấu hiệu, địa điểm về môi trường bị ô nhiễm, suy thoái;
c) Nguồn nghi gây ô nhiễm, suy thoái;
d) Các thiệt hại ban đầu xảy ra (nếu có);
đ) Chứng cứ khác có liên quan (nếu có);
e) Các tài liệu khác có liên quan kèm theo (nếu có).
2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với trường hợp môi trường bị ô nhiễm, suy thoái do một trong các nguyên nhân sau đây:
a) Do thiên tai gây ra;
b) Thuộc trường hợp bất khả kháng, tình thế cấp thiết phải tuân theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
c) Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Điều 113. Trách nhiệm của cơ quan yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường
1. Tiếp nhận thông báo về việc môi trường có dấu hiệu bị ô nhiễm, suy thoái. Trường hợp không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, cơ quan tiếp nhận phải chuyển ngay thông báo và các tài liệu kèm theo đến cơ quan có thẩm quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường để giải quyết.
2. Kiểm tra, xác minh thông tin, lập biên bản về các dấu hiệu môi trường bị ô nhiễm, suy thoái. Biên bản phải có xác nhận của cán bộ xác minh, đại diện của dân cư nơi xảy ra ô nhiễm, suy thoái, đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã trong trường hợp cơ quan giải quyết là Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên.
3. Xác định tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường.
4. Tổ chức thu thập, thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường và yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường theo quy định tại khoản 2 Điều 131 Luật Bảo vệ môi trường, cụ thể như sau:
a) Tổ chức thực hiện hoặc thuê đơn vị có chức năng, năng lực phù hợp để thu thập dữ liệu, chứng cứ; xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại; tính toán thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái;
b) Thành lập hội đồng thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường theo quy định tại Điều 114 Nghị định này;
c) Đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại dựa trên kết quả tư vấn của hội đồng thẩm định dữ liệu, chứng cứ.
5. Thực hiện xác định thiệt hại và yêu cầu bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường trong trường hợp được tổ chức, cá nhân ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự.
Điều 114. Hội đồng thẩm định dữ liệu, chứng cứ
1. Hội đồng thẩm định dữ liệu, chứng cứ có trách nhiệm nghiên cứu, xem xét, thẩm định, đánh giá các dữ liệu, chứng cứ đã được thu thập để xác định, tính toán thiệt hại đối với môi trường; bảo đảm tính chính xác, đầy đủ, khách quan; chịu trách nhiệm trước cơ quan yêu cầu bồi thường thiệt hại về kết quả thẩm định dữ liệu, chứng cứ.
2. Cơ cấu, thành phần hội đồng:
a) Hội đồng phải có ít nhất 07 thành viên với cơ cấu, thành phần gồm: 01 Chủ tịch hội đồng, trường hợp cần thiết có thêm 01 Phó Chủ tịch hội đồng, 01 thành viên thư ký là công chức hoặc viên chức của cơ quan tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ; đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan; đại diện cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; các chuyên gia có chuyên môn về lĩnh vực môi trường và các lĩnh vực có liên quan;
b) Chuyên gia là thành viên hội đồng phải có kinh nghiệm công tác ít nhất là 07 năm nếu có trình độ đại học, ít nhất là 05 năm nếu có trình độ thạc sỹ, ít nhất là 03 năm nếu có trình độ tiến sỹ;
c) Hội đồng do Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập phải có đại diện của cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh nơi xảy ra ô nhiễm, suy thoái;
d) Hội đồng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập phải có đại diện của cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp huyện nơi xảy ra ô nhiễm, suy thoái; có đại diện của Ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao nơi xảy ra ô nhiễm, suy thoái trong trường hợp cần thiết;
đ) Hội đồng do Ủy ban nhân dân cấp huyện thành lập phải có đại diện của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra ô nhiễm, suy thoái; có đại diện của Ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao nơi xảy ra ô nhiễm, suy thoái trong trường hợp cần thiết).
3. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc thảo luận công khai giữa các thành viên trong hội đồng và giữa hội đồng thẩm định với tổ chức, cá nhân có liên quan.
4. Phiên họp chính thức của hội đồng chỉ được tiến hành khi bảo đảm các điều kiện sau đây:
a) Có sự hiện diện trực tiếp tại phiên họp hoặc tham gia họp trực tuyến của tối thiểu 2/3 số thành viên, trong đó phải có Chủ tịch hội đồng (hoặc Phó Chủ tịch hội đồng được Chủ tịch hội đồng ủy quyền) và thành viên thư ký;
b) Có sự tham gia của tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường. Không áp dụng quy định này nếu tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường vắng mặt đến lần thứ 03 khi đã có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền;
c) Có sự tham gia của đơn vị thu thập dữ liệu, chứng cứ; xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại; tính toán thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái quy định tại điểm a khoản 4 Điều 113 Nghị định này (nếu có).
5. Thành viên hội đồng vắng mặt có thể gửi bản nhận xét trước phiên họp chính thức của hội đồng và được coi là ý kiến của thành viên tham dự phiên họp chính thức của hội đồng nhưng không được tham gia bỏ phiếu.
6. Thành viên hội đồng, cơ quan, tổ chức, chuyên gia được lấy ý kiến chịu trách nhiệm trước cơ quan yêu cầu bồi thường thiệt hại về những nhận xét, đánh giá đưa ra đối với những nội dung công việc được phân công trong quá trình thẩm định dữ liệu, chứng cứ; được hưởng thù lao theo quy định của pháp luật.
Mục 3. XÁC ĐỊNH THIỆT HẠI VỀ MÔI TRƯỜNG
Điều 115. Đối tượng xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường
1. Đối tượng xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường:
a) Thành phần môi trường: môi trường nước mặt, môi trường đất;
b) Hệ sinh thái bao gồm: rừng (trên cạn và ngập mặn); hệ sinh thái san hô; hệ sinh thái cỏ biển;
c) Các loài động vật, thực vật phân bố tại Việt Nam bị chết thuộc danh mục: loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục của CITES.
2. Việc xác định thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của việc suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gây ra được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
Điều 116. Dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường
1. Dữ liệu, chứng cứ cần thu thập để xác định tổ chức, cá nhân làm môi trường bị ô nhiễm, suy thoái bao gồm:
a) Tác nhân gây sự cố môi trường hoặc làm xâm hại trực tiếp đến môi trường, khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái;
b) Thông tin cơ bản về tổ chức, cá nhân có liên quan đến khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái bao gồm: loại hình hoạt động; sản phẩm, công suất, nguyên liệu đầu vào; quy trình sản xuất; dòng chất thải; vị trí, phương thức xả thải; biện pháp xử lý chất thải; công tác quan trắc, phân tích các thông số môi trường;
c) Dữ liệu, chứng cứ khác có liên quan.
2. Dữ liệu, chứng cứ cần thu thập hoặc ước tính để xác định phạm vi, diện tích, khu vực môi trường nước bị ô nhiễm, suy thoái bao gồm:
a) Thông tin, dữ liệu hiện trạng môi trường khu vực trước khi xảy ra ô nhiễm, suy thoái môi trường;
b) Quyết định, giấy phép, văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định việc sử dụng hoặc phê duyệt quy hoạch sử dụng các thành phần môi trường nước tại nơi xảy ra ô nhiễm, suy thoái;
c) Kết quả quan trắc; điều tra; thanh tra; kiểm tra của cơ quan chức năng có thẩm quyền liên quan đến môi trường nước tại nơi xảy ra ô nhiễm, suy thoái;
d) Diện tích mặt nước, thể tích nước bị ô nhiễm;
đ) Chất gây ô nhiễm và hàm lượng của chất gây ô nhiễm trong nước;
e) Dữ liệu, chứng cứ khác có liên quan.
3. Dữ liệu, chứng cứ cần thu thập hoặc ước tính để xác định phạm vi, diện tích, khu vực môi trường đất bị ô nhiễm, suy thoái bao gồm:
a) Thông tin, dữ liệu hiện trạng môi trường khu vực trước khi xảy ra ô nhiễm, suy thoái môi trường;
b) Quyết định, giấy phép, văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định việc sử dụng hoặc phê duyệt quy hoạch sử dụng các thành phần môi trường đất tại nơi xảy ra ô nhiễm, suy thoái;
c) Kết quả quan trắc; điều tra; thanh tra; kiểm tra của cơ quan chức năng có thẩm quyền liên quan đến môi trường đất tại nơi xảy ra ô nhiễm, suy thoái;
d) Các thông tin, tài liệu, bản đồ, số liệu về điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, tình hình quản lý, sử dụng đất và tài nguyên thiên nhiên có liên quan đến chất lượng đất, tiềm năng đất đai tại khu vực cần xác định ô nhiễm;
đ) Diện tích, thể tích, khối lượng đất bị ô nhiễm;
e) Chất gây ô nhiễm và hàm lượng của chất gây ô nhiễm trong đất;
g) Dữ liệu, chứng cứ khác có liên quan.
4. Dữ liệu, chứng cứ cần thu thập hoặc ước tính để xác định diện tích, số lượng, thành phần hệ sinh thái bị suy thoái bao gồm:
a) Thông tin, dữ liệu hiện trạng môi trường khu vực trước khi xảy ra ô nhiễm, suy thoái môi trường;
b) Quyết định, văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định mức độ bảo tồn của hệ sinh thái tự nhiên;
c) Kết quả điều tra; thanh tra; kiểm tra của cơ quan chức năng có thẩm quyền liên quan đến hệ sinh thái tự nhiên tại nơi xảy ra ô nhiễm, suy thoái;
d) Bản đồ hiện trạng rừng, cơ sở dữ liệu diễn biến rừng qua các thời kỳ (dạng số) (trữ lượng gỗ, cấu trúc rừng, diện tích, tăng trưởng rừng); Bản đồ ô nhiễm môi trường giải đoán bằng hình ảnh, phần mềm chuyên dụng (bản đồ dạng số);
đ) Thông tin cơ sở dữ liệu về điều kiện tự nhiên, khí tượng thủy văn, hải văn, môi trường (nước, trầm tích), bản đồ hiện trạng phạm vi, ranh giới, diện tích, cấu trúc, phân bố theo độ sâu, độ bao phủ, hiện trạng hệ sinh thái san hô, hệ sinh thái cỏ biển, hệ sinh thái đất ngập nước vùng ven biển và hải đảo;
e) Thông tin hiện trạng xả thải, điểm xả thải vào vùng có hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn thuộc khu đất ngập nước vùng ven biển và hải đảo;
g) Dữ liệu, chứng cứ khác có liên quan.
5. Dữ liệu, chứng cứ cần thu thập hoặc ước tính để xác định số lượng, thành phần các loài động vật, thực vật quy định tại điểm c khoản 1 Điều 115 Nghị định này bao gồm:
a) Văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định danh mục và chế độ quản lý các loài động vật, thực vật;
b) Kết quả điều tra, thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến các loài động vật, thực vật;
c) Diện tích khu vực bị tác động bởi ô nhiễm, suy thoái môi trường, thời gian tác động và chi phí phục hồi loài ở mức tối thiểu;
d) Dữ liệu, chứng cứ khác có liên quan.
6. Dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái có thể dưới hình thức: hình ảnh, bằng từ, dữ liệu thu được từ quan trắc, đo đạc, phân tích, viễn thám, hệ thống thông tin địa lý và các hình thức khác.
7. Dữ liệu, chúng cứ được sử dụng để xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường phải bảo đảm tính chính xác, có đầy đủ cơ sở khoa học và thực tiễn.
Điều 117. Cách thức, phương pháp xác định phạm vi, diện tích, khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái; số lượng thành phần môi trường bị suy giảm, các loại hình hệ sinh thái bị thiệt hại, các loài động vật, thực vật bị chết
1. Cách thức, phương pháp xác định phạm vi, diện tích mặt nước, khu vực môi trường nước bị ô nhiễm như sau:
a) Điều tra, khảo sát, xác định điều kiện tự nhiên và môi trường của nơi xảy ra ô nhiễm;
b) Sử dụng mô hình tính toán thủy động lực học và môi trường phù hợp để dự đoán, xác định phạm vi ô nhiễm;
c) Khảo sát thực địa dựa vào mô hình tính toán để xác định phạm vi, diện tích, thể tích ô nhiễm.
2. Cách thức, phương pháp xác định phạm vi, diện tích, khu vực môi trường đất bị ô nhiễm như sau:
a) Điều tra, khảo sát thực địa dựa trên bản đồ hiện trạng sử dụng đất tương ứng theo các cấp;
b) Lấy mẫu và phân tích mẫu đất theo quy định của pháp luật để xác định các điểm đất bị ô nhiễm; phạm vi, diện tích, khối lượng, thể tích đất bị ô nhiễm được xác định thông qua ranh giới khoanh đất bị ô nhiễm trên bản đồ hiện trạng sử dụng đất tương ứng theo các cấp.
3. Cách thức, phương pháp xác định phạm vi, diện tích, số lượng, thành phần hệ sinh thái rừng (trên cạn và ngập mặn) bị suy thoái như sau:
a) Chập bản đồ hiện trạng rừng và bản đồ ô nhiễm nhằm xác định phạm vi, diện tích rừng bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm;
b) Điều tra hiện trạng các lô trạng thái rừng ngoài thực địa sau sự cố ô nhiễm để xác định số lượng, khối lượng, thành phần rừng bị thiệt hại;
c) Trường hợp không có bản đồ hiện trạng, bản đồ diễn biến rừng thì sử dụng các cơ sở dữ liệu hệ sinh thái rừng tương đương.
4. Cách thức, phương pháp xác định phạm vi, diện tích, số lượng hệ sinh thái san hô, hệ sinh thái cỏ biển được quy định như sau:
a) Điều tra thực địa, thu thập thông tin, tính toán diện tích, độ che phủ rạn san hô, cỏ biển bị thiệt hại;
b) Trường hợp không có bản đồ, dữ liệu hiện trạng thì sử dụng các cơ sở dữ liệu hệ sinh thái tương đương.
5. Cách thức, phương pháp xác định thiệt hại số lượng, thành phần các loài động vật, thực vật quy định tại điểm c khoản 1 Điều 115 Nghị định này như sau:
a) Điều tra thực địa, thu thập thông tin thực địa tại khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái về số lượng các cá thể và thành phần các loài động vật, thực vật;
b) Thu thập và phân tích, tính toán bằng các phương pháp đo đếm thực tế, sử dụng mô hình tính toán, các biện pháp kỹ thuật để đánh giá sự thay đổi về thành phần loài, số lượng cá thể của các loài động vật, thực vật trước và sau khi xảy ra sự cố ô nhiễm.
Điều 118. Xác định mức độ thiệt hại của từng thành phần môi trường, hệ sinh thái, loài
1. Nguyên tắc xác định mức độ thiệt hại:
a) Mức độ thiệt hại của từng thành phần môi trường, hệ sinh thái, các loài động vật, thực vật theo quy định tại Điều 115 Nghị định này được xác định theo chi phí để xử lý, phục hồi môi trường, hệ sinh thái và gây nuôi bảo tồn, phục hồi, tái thả động vật vào các môi trường sống tự nhiên, nuôi trồng thực vật đạt các quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc về bằng hoặc tương đương với trạng thái ban đầu của hệ sinh thái và các loài động vật, thực vật quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 115 Nghị định này trước khi xảy ra ô nhiễm, suy thoái;
b) Thiệt hại đối với môi trường của một khu vực địa lý bằng tổng thiệt hại về từng thành phần môi trường của khu vực địa lý đó.
2. Phương thức xác định mức độ thiệt hại:
Tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan có thẩm quyền và tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường có thể lựa chọn một trong những phương thức xác định chi phí xử lý, phục hồi môi trường và gây nuôi bảo tồn, phục hồi, tái thả động vật vào các môi trường sống tự nhiên, nuôi trồng thực vật đạt các quy chuẩn kỹ thuật môi trường, bằng hoặc tương đương với trạng thái ban đầu của hệ sinh thái và các loài động vật quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 115 Nghị định này như sau:
a) Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, suy thoái hệ sinh thái và làm chết động vật, thực vật quy định tại khoản 1 Điều 115 Nghị định này tự thực hiện hoặc thuê đơn vị có chức năng, năng lực phù hợp để xử lý, phục hồi môi trường và nuôi trồng thực vật, gây nuôi bảo tồn, phục hồi, tái thả động vật vào các môi trường sống tự nhiên, nuôi trồng thực vật đạt các quy chuẩn kỹ thuật môi trường, bằng hoặc tương đương với trạng thái ban đầu của hệ sinh thái và các loài động vật, thực vật quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 115 Nghị định này đạt các quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc về bằng hoặc tương đương với trước khi xảy ra ô nhiễm, suy thoái.
Trường hợp này tổ chức, cá nhân tự chi trả chi phí để xử lý, phục hồi môi trường và gây nuôi bảo tồn, phục hồi, tái thả động vật vào các môi trường sống tự nhiên, nuôi trồng thực vật đạt các quy chuẩn kỹ thuật môi trường, bằng hoặc tương đương với trạng thái ban đầu của hệ sinh thái và các loài động vật, thực vật quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 115 Nghị định này trong thời hạn quy định, có sự giám sát, xác nhận kết quả thực hiện theo quy định của pháp luật;
b) Trường hợp tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường; suy thoái hệ sinh thái và làm chết các loài động vật, thực vật quy định tại khoản 1 Điều 115 Nghị định này không tự thực hiện được thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức thực hiện việc xác định chi phí xử lý, phục hồi môi trường và gây nuôi bảo tồn, phục hồi, tái thả động vật vào các môi trường sống tự nhiên, nuôi trồng thực vật đạt các quy chuẩn kỹ thuật môi trường, bằng hoặc tương đương với trạng thái ban đầu của hệ sinh thái và các loài động vật, thực vật quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 115 Nghị định này theo công thức quy định tại khoản 4 Điều này;
c) Trường hợp không xác định được chi phí xử lý, phục hồi môi trường đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường, gây nuôi bảo tồn, phục hồi, tái thả động vật vào các môi trường sống tự nhiên, nuôi trồng thực vật bằng hoặc tương đương với trạng thái ban đầu của hệ sinh thái và các loài động vật, thực vật quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 115 Nghị định này thì áp dụng kết quả tính toán thiệt hại đối với môi trường, suy thoái hệ sinh thái và làm chết các loài động vật, thực vật quy định tại khoản 1 Điều 115 Nghị định này của các vụ việc xảy ra trước đó có phạm vi và tính chất tương đương đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận hoặc mô phỏng hiện trạng môi trường khi chưa bị ô nhiễm, hệ sinh thái khi chưa bị suy thoái và các loài động vật, thực vật khi chưa bị chết; lên phương án tính toán chi phí để xử lý, phục hồi môi trường bị ô nhiễm, suy thoái, hệ sinh thái, các loài động vật, thực vật quy định tại khoản 1 Điều 115 Nghị định này nhằm đưa về hiện trạng ban đầu hoặc tương đương;
d) Phương án khác.
3. Trường hợp thực hiện việc xử lý, phục hồi môi trường và nuôi trồng thực vật, gây nuôi bảo tồn, phục hồi, tái thả động vật vào các môi trường sống tự nhiên đối với loài động vật quy định tại điểm c khoản 1 Điều 115 Nghị định này theo các phương thức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này, tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, hệ sinh thái và làm chết các loài động vật, thực vật phải chi trả chi phí để thực hiện.
4. Công thức tính toán chi phí bồi thường thiệt hại:
a) Tổng thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái gây ra đối với môi trường của một khu vực địa lý được tính theo công thức như sau:
T = TN + TĐ + THST + TLBV, trong đó:
T là thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái gây ra đối với môi trường của một khu vực địa lý;
TN là thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái gây ra đối với môi trường nước;
TĐ là thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái gây ra đối với môi trường đất;
THST là thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái gây ra đối với hệ sinh thái;
TLBV là thiệt hại gây ra đối với loài động vật, thực vật quy định tại điểm c khoản 1 Điều 115 Nghị định này;
b) Thiệt hại do ô nhiễm gây ra đối với môi trường nước được tính theo công thức như sau:
TN = S x CN, trong đó:
TN: thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái gây ra đối với môi trường nước;
S: thể tích nước bị ô nhiễm (m3);
CN: định mức để xử lý 01 m3 nước đạt quy chuẩn kỹ thuật;
c) Thiệt hại do ô nhiễm gây ra đối với môi trường đất được tính theo công thức như sau:
TĐ =S x CĐ, trong đó:
TĐ: thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái gây ra đối với môi trường đất;
S: thể tích hoặc khối lượng đất bị ô nhiễm (m3 hoặc kg);
CĐ: định mức để xử lý 01 m3 hoặc 01 kg đất đạt quy chuẩn kỹ thuật;
d) Thiệt hại do suy thoái hệ sinh thái rừng (trên cạn và ngập mặn), hệ sinh thái san hô; hệ sinh thái cỏ biển được tính theo công thức như sau:
THST = S x 3 x CHST, trong đó:
THST: thiệt hại do suy thoái gây ra đối với hệ sinh thái bao gồm hệ sinh thái rừng (trên cạn và ngập mặn), hệ sinh thái san hô; hệ sinh thái cỏ biển;
S: diện tích rừng (trên cạn và ngập mặn), hệ sinh thái, rạn san hô, hệ sinh thái cỏ biển bị suy thoái (tính theo m2);
CHST: định mức để trồng phục hồi rừng (trên cạn và ngập mặn), hệ sinh thái san hô, hệ sinh thái cỏ biển bị suy thoái;
đ) Thiệt hại do động vật, thực vật quy định tại điểm c khoản 1 Điều 115 Nghị định này được tính theo công thức như sau:
TLBV = N x CLBV, trong đó:
TLBV: thiệt hại về động vật, thực vật;
N: số lượng cá thể động vật, thực vật;
CLBV: định mức để nuôi trồng thực vật, gây nuôi bảo tồn, phục hồi, tái thả động vật vào các môi trường sống tự nhiên, nuôi trồng thực vật bằng hoặc tương đương với trạng thái ban đầu của các loài động vật quy định tại điểm c khoản 1 Điều 115 Nghị định này;
e) Định mức để xử lý một đơn vị thể tích nước, thể tích hoặc khối lượng đất đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, chi phí trồng phục hồi rừng (trên cạn và ngập mặn), hệ sinh thái san hô, hệ sinh thái cỏ biển và chi phí để nuôi trồng thực vật, gây nuôi bảo tồn, phục hồi, tái thả động vật vào các môi trường sống tự nhiên, nuôi trồng thực vật bằng hoặc tương đương với trạng thái ban đầu của các loài động vật quy định tại điểm c khoản 1 Điều 115 Nghị định này được áp dụng định mức theo quy định hiện hành;
g) Trong trường hợp chưa có định mức, các cơ quan có thẩm quyền trong phạm vi trách nhiệm của mình xây dựng, ban hành định mức xử lý, phục hồi môi trường; hệ sinh thái; gây nuôi bảo tồn, phục hồi, tái thả động vật, nuôi trồng thực vật quy định tại khoản 1 Điều 115 Nghị định này.
Mục 4. GIÁM ĐỊNH THIỆT HẠI DO SUY GIẢM CHỨC NĂNG, TÍNH HỮU ÍCH CỦA MÔI TRƯỜNG
Điều 119. Tổ chức giám định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường
1. Tổ chức giám định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường được lựa chọn theo quy định tại khoản 3 điều 135 Luật Bảo vệ môi trường.
2. Tổ chức giám định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường là tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực môi trường được công bố theo quy định hoặc tổ chức khác có đủ điều kiện sau:
a) Có tư cách pháp nhân;
b) Có hoạt động chuyên môn phù hợp với nội dung được yêu cầu giám định;
c) Có điều kiện về cán bộ chuyên môn, cơ sở vật chất bảo đảm cho việc thực hiện giám định.
Điều 120. Thực hiện giám định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường
1. Tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc cơ quan giải quyết việc bồi thường thiệt hại về môi trường không đồng ý với kết quả xác định thiệt hại có thể yêu cầu giám định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường.
2. Trình tự, thủ tục thực hiện giám định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường áp dụng theo quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực môi trường và các quy định của pháp luật có liên quan.
3. Kết quả giám định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường là căn cứ để cơ quan giải quyết việc bồi thường thiệt hại về môi trường đưa ra quyết định yêu cầu bồi thường thiệt hại trước khi lựa chọn giải quyết thông qua các hình thức quy định tại khoản 1 Điều 133 Luật Bảo vệ môi trường.