HIỆU QUẢ TỪ SÁNG KIẾN “MÁY BƠM XĂNG DẦU DÃ CHIẾN”
Đến Phân kho 91 (Kho Xăng dầu, Cục Hậu cần Quân khu), chúng tôi được tham quan quy trình vận hành tiếp nhận, cấp phát xăng dầu của cán bộ, nhân viên đơn vị. Điều khiến chúng tôi ấn tượng là phương pháp vận hành cấp phát xăng dầu lần này khác với những lần vận hành trước, thay vì sử dụng máy bơm lắc tay hoặc sử dụng phương pháp cấp phát dầu theo kiểu tự chảy (Tận dụng địa hình từ trên cao để cấp phát-PV) thì nhân viên cấp phát xăng dầu của đơn vị lại sử dụng “Máy bơm xăng dầu dã chiến 12V” để cấp cho các đơn vị. Theo chia sẻ của các nhân viên trực tiếp cấp phát xăng dầu thì máy bơm này là sáng kiến của Thượng úy Đồng Trường Thọ, rất dễ thao tác sử dụng, tiết kiệm được nhân lực, thời gian và hiệu quả cao.
Theo dõi đơn vị thực hiện quy trình vận hành máy bơm, Thượng úy Đồng Trường Thọ, Phân kho trưởng Phân kho 91- là tác giả của sáng kiến cho biết: “Máy bơm có tốc độ vòng quay 2.700 vòng/phút, công suất 1/8HP, áp suất tối đa 1,1bar, có thể hút 52 lít/phút. Máy có thể sử dụng trong điều kiện dã chiến không có điện lưới, có thể sử dụng bơm liên tục từ 3 đến 4 giờ; ít phát ra tiếng ồn nên bảo đảm yếu tố bí mật. Mặt khác trong tác chiến, máy có tính cơ động cao, nhỏ gọn và dễ di chuyển; thao tác đơn giản, nhanh chóng triển khai tra nạp, cấp phát cho các phương tiện ngay tại đường cơ động”.
Cũng theo Thượng úy Thọ, hiện nay trên thị trường các bơm cùng chủng loại được các cơ sở có chuyên môn gia công, lắp đặt sản phẩm tương tự nhưng giá thành cao. Sáng kiến này tận dụng được một số vật dụng, thiết bị cũ của máy bơm lắc tay, giá thành lại thấp, với kinh phí khoảng hơn 20 triệu đồng.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay ở các kho, trạm xăng dầu việc tiếp nhận, bảo quản, cấp phát xăng dầu chủ yếu được sử dụng bằng các phương pháp như: Sử dụng bơm lắc tay; tận dụng địa hình, bố trí kho, trạm tiếp nhận, cấp phát theo phương pháp tự chảy hoặc sử dụng máy bơm động cơ công suất lớn. Tuy nhiên cả 3 phương pháp trên đều còn nhiều hạn chế như tốn công sức, lưu lượng bơm thấp; nhiều đơn vị không có địa hình thuận lợi để cấp phát tự chảy, xăng không chảy hết trong các bể chứa nên không sử dụng để bơm vét bể được, khó áp dụng cho các kho, trạm xăng dầu nhỏ; khi bố trí trạm bơm phức tạp, máy cồng kềnh khó di chuyển.
Khắc phục những nhược điểm trên, Thượng úy Thọ đã mày mò, tìm tòi, nghiên cứu và cho ra đời sáng kiến “Máy bơm xăng dầu dã chiến 12v”. Quan sát máy bơm vận hành, chúng tôi thấy máy bơm được cấu tạo khá đơn giản gồm: 01 máy bơm động cơ 1 chiều 12V nhãn hiệu Piusi; ắc quy, bộ nạp điện và hệ thống dây điện; hệ thống khung bảo vệ có tay kéo làm bằng kẽm 34 dày 3mm; vỏ bọc bằng tôn dày 1mm và thiết kế lắp 02 bánh xe để di chuyển dễ dàng.
Thượng úy Đồng Trường Thọ giới thiệu về cầu tạo của sáng kiến máy bơm dầu dã chiến 12V
Việc áp dụng sáng kiến tại Kho Xăng dầu thời gian qua đã mang lại hiệu quả thiết thực, bảo đảm an toàn trong tiếp nhận, cấp phát và bảo quản xăng dầu; đo được chính xác lượng nhiên liệu cấp phát, hạn chế được hao hụt xăng, dầu trong quá trình bảo quản, bơm vét bể và bảo đảm tính cơ động, ổn định ở mọi địa hình trong tác chiến.
Đánh giá về tính hiệu quả của sáng kiến này, Thiếu tá Tạ Hồng Sơn, Trưởng Kho xăng dầu cho biết: “Sáng kiến máy bơm xăng dầu dã chiến đã được thử nghiệm và đưa vào sử dụng tại Phân kho 91 (Kho Xăng dầu) từ năm 2017 đến nay, tính hiệu quả thực tế cao, giảm thời gian, tăng năng suất lao động; sử dụng điện ắc quy nên hệ số an toàn cao, có các ngăn chứa bộ nạp và ắc quy riêng, thuận tiện cho việc nạp điện; có thể sử dụng để bơm vét bể chứa. Mô hình sáng kiến này dễ nhân rộng đối với các đơn vị cấp trung đoàn trở lên”.
Với tính hiệu quả thiết thực của sáng kiến, tại Hội thi sáng kiến, cải tiến mô hình, trang thiết bị hậu cần năm 2018, sáng kiến “Máy bơm xăng dầu dã chiến 12V” của Thượng úy Đồng Trường Thọ đã đạt giải A và được Bộ Tư lệnh Quân khu tặng bằng khen; năm 2019 Hội đồng khoa học Quân khu đã cấp giấy chứng nhận sáng kiến loại B cho Thượng úy Đồng Trường Thọ.
Theo Báo Quân khu Ba