HƯỚNG DẪN SƠ CẤP CỨU BỎNG AXIT
KHÁI NIỆM
Bỏng do acid là tổn thương da và các tổ chức dưới da do các acid mạnh và đậm đặc gây nên, theo cơ chế acid làm đông vón protein mô, tổ chức, làm mất nước nhanh chóng của tế bào gây hoại tử khô mô, tổ chức.
CHỈ ĐỊNH
Người bệnh bị bỏng acid.
CHỔNG CHỈ ĐỊNH
Không có.
CHUẨN BỊ
Người thực hiện
Sơ cấp cứu tại hiện trường: tình nguyện viên, hội viên hội chữ thập đỏ, chính người bệnh.
Bác sĩ, điều dưỡng chuyên khoa bỏng và các chuyên khoa khác được đào tạo
Phương tiện, dụng cụ
Nước lạnh, sạch: nước lọc, nước máy, nước giếng, nước mưa, trong trường hợp cần thiết có thể dùng nước hồ, sông
Chậu, xô, vòi nước, gáo nước
Khăn, chăn ủ ấm
Băng gạc sạch, nếu có điều kiện: dụng cụ thay băng cho một người bệnh.
Người bệnh
Được giải thích. Được khám các vị trí tổn tương đặc biệt các hốc tự nhiên như mắt, tai, mũi họng.
CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
Công tác sơ cấp cứu bỏng acid cũng bao gồm các bước cơ bản như bỏng nhiệt, tuy nhiên cần thêm động tác trung hòa bằng dung dịch kiềm nhẹ sau khi ngâm rửa vết bỏng.
Sơ cấp cứu tại nơi xảy ra tai nạn
Bước 1: nhanh chóng đa nạn nhân khỏi tiếp xúc với tác nhân bỏng.
Bước 2: Đánh giá nhanh chóng và duy trì các chức năng sống như hô hấp, tuần hoàn
Bước 3: ngâm rửa vùng bỏng bằng nớc sạch càng sớm càng tốt. Thời gian ngâm rửa bỏng acid thường kéo dài hơn so với bỏng nhiệt (30 – 60 phút).
Ngâm, dội vết bỏng bằng nước sạch, lạnh nhiều lần để giảm nồng độ acid bám trên da. Phải làm càng sớm càng tốt, nếu để muộn trên 30 phút mới xử trí sẽ kém hiệu quả. Trong trường hợp tại nơi bị nạn không có nước hoàn toàn sạch vẫn có thể sử dụng nước ao hồ, sông với mục đích làm rửa trôi nhanh acid bám trên da. Thời gian ngâm rửa, dội nước lạnh ít nhất phải 20 phút.
Trong trường hợp bị bỏng ở mặt nhưng acid chưa bắn vào mắt (không có cảm giác đau xót ở mắt) thì trong quá trình ngâm rửa cần nhắm chặt mắt. Nếu acid đã bắn vào mắt thì nên úp mặt vào chậu nước, bể nước sạch mở mắt và chớp nhiều lần để làm loãng và trôi acid khỏi mắt.
Bước 4: Trung hòa chỉ tiến hành sau khi ngâm rửa vùng bỏng bằng nước sạch. Nếu có thể vận chuyển sớm người bệnh tới cơ sở y tế thì không cần tiến hành thao tác này (ưu tiên động tác ngâm rửa, việc trung hòa dành cho tuyến y tế cơ sở) mà thực hiện ngay những thao tác tiếp theo.
Trung hoà tác nhân gây bỏng bằng kiềm nhẹ như nước xà phòng 5%, natri bicacbonat 2 – 3%, nếu không có thì dùng nước vôi trong để rửa.. Trong bất kỳ trường hợp nào, không được dùng base mạnh.
Bước 5: Che phủ tạm thời vết bỏng. Có thể dùng các dung dịch trung hoà nhẹ tiếp tục đắp, tưới rửa lên vết bỏng.
Sau đó, băng ép nhẹ vết bỏng bằng băng sạch.
Bước 6: Bù nước điện giải sau bỏng: cho uống nước oresol, uống nước chè đường ấm, nước cháo loãng, nước hoa quả
Bước 7: Nhanh chóng chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất. Nếu thời gian vận chuyển kéo dài, có thể tiếp tục tiến hành tới rửa vùng bỏng.
Tại cơ sở điều trị
Nhanh chóng đánh giá tổn thương toàn thân (lấy mạch, nhiệt độ, huyết áp…). Tiến hành cấp cứu toàn thân nếu có.
Khám xét tại chỗ vết bỏng để chẩn đoán sơ bộ, tiên lượng
Tiếp tục ngâm rửa nước sạch nếu bệnh nhân đến trước 1 giờ sau bỏng.
Xử trí bổ sung vết bỏng lần đầu:
Rửa lại vết bỏng bằng nước xà phòng.
Rửa vết bỏng bằng dung dịch NaCL 0,9%.
Rửa vết bỏng bằng dung dịch natri bicacbonat 10-20% hoặc dung dịch đệm phốt phát có pH = 7,4.
Thấm khô.
Đắp gạc tẩm dung dịch natri bicacbonat 10-20%
Nếu bệnh nhân đến muộn 2 – 3 ngày sau bỏng: xử trí tương tự như vết bỏng nhiệt.
Khi điều kiện cho phép (trang thiết bị, vô cảm, phẫu thuật viên bỏng): tiến hành cắt hoại tử sớm ghép da ngay do vết bỏng acid có đặc điểm hoại tử khô. Ưu tiên ghép da dày toàn lớp, đặc biệt vùng thẩm mỹ.
Bỏng mắt
Rửa dung dịch NaCl 0,9% nhiều lần, tiếp đó rửa bằng dung dịch đệm phốt phát có pH bằng 7,4 nhỏ giọt mạnh.
Rửa sạch bằng dung dịch NaCL 0,9%.
Thấm khô.
Nhỏ thuốc mỡ tetracyclin. Mời chuyên khoa mắt khám và điều trị.
Bỏng thực quản dạ dày
Cho uống nước có pha loãng lòng trắng trứng gà (4 lòng trắng trứng gà trong 500ml nước) hoặc sữa lạnh.
Không được uống dung dịch Natri Bicacbonat 5% hoặc rửa dạ dày.
Truyền dịch nuôi dưỡng.
Các biện pháp dùng ống đặt qua mũi, miệng và thực quản, dạ dày, phải có chỉ định đúng để phòng gây thủng thực quản, dạ dày.
Kết hợp với chuyên khoa ngoại tiêu hóa theo dõi và điều trị
THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN
Theo dõi tình trạng toàn thân
Mạch, nhiệt độ, huyết áp, nước tiểu theo giờ, theo 24 giờ.
Tình trạng sốc, nhiễm khuẩn, suy mòn bỏng: truyền dịch, kháng sinh, nuôi dưỡng…
Tại chỗ
Tình trạng nhiễm khuẩn, đặc biệt là nhiễm khuẩn mủ xanh: dùng thuốc làm khô hoại tử, cắt hoại tử sớm, chống nhiễm khuẩn tại chỗ…
Tình trạng chèn ép kiểu ga rô do bỏng sâu chi thể: rạch hoại tử giải phóng chèn ép.
Tình trạng thủng dạ dày,thực quản, hoại tử vành tai, thủng giác mạc (nếu có)…: phối hợp chuyên khoa điều tr