KHẨN CẤP ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU 4 TÀU SẮT DẠT VÀO BIỂN MIỀN TRUNG
Không chỉ tàu “ma” dạt vào Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) mà trên vùng biển miền Trung nhiều ngày qua ghi nhận 3 vụ tàu sắt gặp sự cố dạt vào bờ và buộc phải ứng phó, xử lý sự cố tràn dầu.
Để ngăn ngừa sự cố môi trường do tràn dầu, các đơn vị xử lý chuyên nghiệp đang được mời đến hiện trường chạy đua với thời gian hút dầu ra khỏi khoang, két và các biện pháp ngừa tràn dầu các tàu trước khi trục vớt, cứu hộ.
Liên tiếp tàu gặp nạn gia tăng nguy cơ tràn dầu
Chiều 5-12, Cảng vụ hàng hải Đà Nẵng cho biết con tàu VR-SB Chín Quỳnh 19 gặp sự cố trên biển Đà Nẵng vẫn đang nằm ở hiện trường vùng biển Đà Nẵng.
Chủ tàu đang tích cực phối hợp các bên để xử lý tràn dầu, tổ chức cứu hộ.
Trước đó sáng 2-12, tàu này chở theo hơn 3.300 tấn đá nguyên liệu từ Nam Định vào Dung Quất (Quảng Ngãi), khi qua Đà Nẵng thì gặp sự cố khiến tàu nghiêng. Trên tàu lúc này có 7m3 dầu DO và 100 lít dầu bôi trơn DO.
Trước vụ việc của tàu Chín Quỳnh, mấy ngày gần đây trên vùng biển Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng liên tiếp ghi nhận nhiều tàu gặp sự cố. Nguyên nhân được xác định là do thời tiết xấu.
Tại huyện Núi Thành đoạn giáp ranh giữa Quảng Ngãi với Quảng Nam chiều 5-12, con tàu hàng New Energy dài hàng trăm mét bị sự cố dạt vào bờ vẫn nằm trên bãi cát.
Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam được khẩn cấp mời về, huy động nhân lực cùng trang thiết bị chuyên nghiệp để túc trực xử lý phòng sự cố tràn dầu.
Ông Hoàng Cộng Hòa – trưởng đại diện Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam tại khu vực miền Trung – cho biết cuối tháng 11 tàu New Energy chở theo gần 14.000 tấn quặng sắt về Dung Quất.
Sau khi dỡ hàng xong thì gặp thời tiết xấu nên trôi dạt vào xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam). Trên tàu lúc này có 7,4 tấn dầu DO, 27,6 tấn dầu FO và gần 650 lít dầu nhớt.
Trên vùng biển Quảng Nam tới chiều 5-12 còn có hai tàu hàng mắc nạn khác đang được lên phương án giải cứu. Đó là tàu Nam Phát 1 của Việt Nam và tàu King Rich (mắc cạn ở Cù Lao Chàm, TTO đã thông tin).
Tàu Nam Phát 1 gặp sự cố vào ngày 28-11 khi đang từ Thanh Hóa vào khu vực biển Bình Nam (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) thì bị nước vào buồng máy.
Thuyền trưởng đã dìu tàu vào một bãi cạn có độ sâu 8m. Trên tàu có 11 người cùng 1.500 tấn thép. Lúc gặp nạn trên khoang tàu đang chứa 7.500 lít dầu D.O.
Khẩn cấp hút dầu ra khỏi khoang máy ngăn tràn dầu
Trong 4 tàu mắc cạn nêu trên, tàu King Rich ở Cù Lao Chàm đang trong diện “nhạy cảm” nhất khi vị trí tàu mắc cạn nằm ngay khu dự trữ sinh quyển thể giới, một điểm du lịch lớn.
Ngay khi phát hiện tàu, dù sóng to gió lớn, tàu trôi dạt qua nhiều vị trí liên tục và va vào các bãi đá nhưng các lực lượng vẫn quyết tâm tiếp cận để ghi nhận hiện trạng, lên phương án xử lý tràn dầu.
Tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các đơn vị cùng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam tích cực phối hợp với Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam tìm phương án không để xảy ra sự cố môi trường.
Tới chiều 5-12 tại vị trí tàu King Rich dạt vào Cù Lao Chàm có hàng chục cán bộ kỹ thuật, bộ đội biên phòng cùng các lực lượng tiếp cận tàu.
Theo ông Hoàng Cộng Hòa, qua kiểm tra sơ bộ thì trên tàu này có tổng cộng 8 két chứa dầu DO và FO.
Tuy nhiên lực lượng chuyên môn mới kiểm tra được 2 két và xác định có gần 10.000 lít dầu DO. Hiện quanh tàu đã xuất hiện nhiều vết lủng lớn do va phải đá, một số khoang có nước biển chảy vào phía trong.
“Cù Lao Chàm là nơi rất nhạy cảm về môi trường nên chúng tôi cho công nhân tập trung quây phao quanh tàu để ngăn ngừa sự cố. Nhân lực được huy động tối đa để đưa toàn bộ dầu trong tàu ra giao cho đại lý” – ông Hòa nói.
Cùng lúc có 4 con tàu mắc cạn gần bờ và trong diện phải xử lý tràn dầu, TP Đà Nẵng và Quảng Nam, Quảng Ngãi đang huy động các lực lượng để đẩy nhanh thủ tục, sớm tổ chức xử lý sự cố tràn dầu và giải cứu các tàu. Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam được giao xử lý sự cố dầu đối với 3 trong 4 tàu đang gặp nạn.
Theo ông Hoàng Cộng Hòa, đối với các tàu mắc cạn ở vị trí gần bờ, có nền cát thì việc xử lý sẽ đơn giản hơn.
Trước mắt chưa cần quây phao bao quanh mà công nhân kỹ thuật tính toán, lên phương án hợp lý nhất. Dù vậy tất cả máy móc, phao bè luôn được đưa đến tập kết sẵn sàng trong mọi tình huống.
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ