KHẢO SÁT CÁC MÔ HÌNH TẬN DỤNG RƠM RẠ Ở HUYỆN CHÂU THÀNH
Đoàn chuyên gia Liên minh Toàn cầu về sức khỏe và ô nhiễm (GAHP), Hội Bảo vệ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam (VACNE) đã khảo sát các mô hình tận dụng rơm rạ của nông dân ở huyện Châu Thành (tỉnh An Giang).
Tham quan các mô hình: Ủ rơm với urê của anh Mai Tùng, làm phân bón hữu cơ của anh Lê Bá Đương (xã Cần Đăng) và trồng nấm rơm trong nhà của Trần Văn Thanh Tuyền (xã Vĩnh Thành), các chuyên gia Liên minh Toàn cầu về sức khỏe và ô nhiễm (GAHP), Hội Bảo vệ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đã chia sẻ về quy trình ủ rơm, chuẩn bị hố ủ, cách dùng rơm; phương pháp xử lý rơm khô và ủ với urê làm thức ăn chăn nuôi bò; mô hình xử lý rơm rạ tại đồng ruộng bằng chế phẩm sinh học cùng với phân bò để làm phân bón hữu cơ; ưu điểm của mô hình trồng nấm rơm trong nhà theo dạng trụ…
Thông qua khảo sát, các chuyên gia còn tuyên truyền, vận động nông dân tận dụng rơm rạ để phát triển các mô hình kinh tế thay vì đốt bỏ như trước, nhằm góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho bà con. Đồng thời, giảm bớt ô nhiễm môi trường, do đốt rơm, cũng như ngăn chặn được hiện tượng ngộ độc hữu cơ do rơm rạ gây ra, giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho cây lúa…
Đây là hoạt động thuộc dự án “Đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của đốt hở và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong hoạt động nông nghiệp tại Việt Nam”, do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam thực hiện, thông qua GAHP, với sự tài trợ của Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông nghiệp Vương quốc Anh (DEFRA).
Nguồn: Báo An Giang