Tháng Một 22, 2025

LỖ HỔNG PHÁP LUẬT VỀ SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG

“Chúng ta nói rất nhiều về sự cố môi trường nhưng trong các quy định hiện hành thì không thể tìm ra đâu là sự cố môi trường”

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định: “sự cố môi trường” là sự cố xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc do biến đổi bất thường của tự nhiên, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường nghiêm trọng.

Tuy nhiên, theo các văn bản hiện hành, rất nhiều tình huống sự cố do thiên tai hoặc con người gây ra có thể gây hậu quả tổn thất về người, phương tiện, tài sản, vật chất và gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường nghiêm trọng trên phạm vi nhiều tỉnh thành vẫn được hiểu là “sự cố, thiên tai”, không liên quan gì đến “sự cố môi trường” (Nghị định 30/2017/NĐ-CP, Điều 3, khoản 1). Cả sự cố tràn dầu (Quyết định 12/2021/QĐ-TTg, Điều 5, khoản 3), sự cố hóa chất (Quyết định 26/2016/QĐ-TTg, Điều 5, khoản 3), sự cố bức xạ hạt nhân (Quyết định 884/QĐ-TTg ngày 16.6.2017)… cũng đều là các sự cố tách biệt, không liên quan gì đến “sự cố môi trường”.

Các quy định nêu trên cũng không làm rõ “gây ô nhiễm, suy thoái môi trường nghiêm trọng” đến mức nào thì được hiểu là “sự cố môi trường”; đồng thời bỏ sót những vấn đề quan trọng như thời gian, phương pháp, trình tự xác định mức độ sự cố và ai đưa ra quyết định đó là “sự cố môi trường”?

Bất cập này dẫn đến thực tế khi sự cố xảy ra thì công tác chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ của các lực lượng chức năng rất lúng túng. Ví dụ, vụ cháy Nhà máy Bóng đèn phích nước Rạng Đông (tháng 9.2019) là tổng hợp của nhiều sự cố: cháy lớn; hóa chất độc phát tán vào môi trường không khí do cháy; hóa chất độc phát tán vào môi trường đất và môi trường nước do nước chữa cháy. Khi sự cố xảy ra, lực lượng phòng cháy, chữa cháy ngay lập tức có mặt. Tuy nhiên, các bước tiếp theo như biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân xung quanh, hướng dẫn người dân tự bảo vệ mình, chỉ đạo hoạt động ứng cứu sự cố hóa chất song song với hoạt động chữa cháy, các biện pháp phòng ngừa để nước chữa cháy không cuốn hóa chất độc trôi thoát ra môi trường đất, nước… lại không được thực hiện kịp thời.

Hay sự cố ô nhiễm dầu thải nước đầu nguồn sông Đà (tháng 10.2019) liên quan đến tỉnh Hòa Bình và TP. Hà Nội. Sự cố này do nguyên nhân khách quan, nằm ngoài khả năng xử lý của cơ sở, rất cần sự hỗ trợ kỹ thuật của cấp tỉnh và cấp quốc gia để kịp thời ứng cứu và khắc phục sự cố liên vùng. Tuy nhiên, phần việc hệ trọng và cấp bách nhất là ứng cứu sự cố, xử lý ô nhiễm nguồn nước thì hai địa phương, các bộ, ngành không có sự chỉ đạo, huy động nguồn lực, phối hợp các lực lượng để triển khai.

Màng chuyên dụng lọc tách dầu thải lẫn trong nước

Màng chuyên dụng lọc tách dầu thải lẫn trong nước đầu vào của nhà máy nước sạch Sông Đà, sử dụng cho ứng phó sự cố vào tháng 10/2019

Để giải quyết những bất cập nêu trên, trước hết cần thống nhất cách hiểu và làm rõ nội hàm của thuật ngữ “sự cố môi trường”. Người viết đề xuất hiểu “sự cố môi trường” là sự cố gây ảnh hưởng, hậu quả xấu tới sức khỏe con người, môi trường, tài sản. Nghiêm trọng đến đâu thì rất khó đưa ra và thống nhất tiêu chí, nên sẽ căn cứ vào vùng hành chính mà sự cố gây ảnh hưởng. Ví dụ, nếu sự cố chỉ xảy ra ở trong phạm vi của cơ sở thì là “sự cố môi trường cấp cơ sở”, ở phạm vi rộng hơn sẽ là “sự cố môi trường cấp huyện”, “sự cố môi trường cấp tỉnh”, “sự cố môi trường cấp liên tỉnh”.

Nếu sự cố môi trường xảy ra bao gồm nhiều sự cố đồng thời hoặc kế tiếp nhau do các tác nhân khác nhau, hoặc sự cố này là nguyên nhân gây ra sự cố khác thì gọi là sự cố môi trường hỗn hợp, đồng thời nêu rõ phạm vi ảnh hưởng (mức độ nghiêm trọng). Ví dụ: sự cố tại Nhà máy Bóng đèn phích nước Rạng Đông là “sự cố môi trường hỗn hợp cấp thành phố”.

Nếu xác định được sự cố môi trường do tác nhân nào gây ra thì nêu rõ tác nhân đó, đồng thời cũng chỉ rõ phạm vi ảnh hưởng. Ví dụ, sự cố tại Nhà máy Nước sạch Sông Đà là “sự cố môi trường do dầu thải cấp liên tỉnh”; sự cố tại Formosa Hà Tĩnh là “sự cố môi trường do chất thải cấp liên tỉnh”.

Cách hiểu như vậy sẽ giúp xác định rõ trách nhiệm chỉ đạo, chỉ huy ứng phó sự cố của từng cấp và trách nhiệm pháp lý của từng cấp khi xảy ra sự cố. Khi xảy ra “sự cố môi trường cấp cơ sở”, cơ sở không có đủ khả năng ứng cứu, xử lý sẽ kích hoạt kế hoạch ứng phó “sự cố môi trường cấp huyện”. Nguồn lực cấp huyện không đủ sẽ kích hoạt kế hoạch ứng phó “sự cố môi trường cấp tỉnh”. Nguồn lực cấp tỉnh không đủ sẽ kích hoạt kế hoạch ứng phó “sự cố môi trường cấp liên tỉnh”.

Nếu nguồn lực của cơ sở không ứng cứu được sự cố thì trách nhiệm thuộc về cơ sở. Nguồn lực của cấp huyện không ứng cứu được khi cơ sở yêu cầu hỗ trợ thì trách nhiệm thuộc về cấp huyện không quản lý tốt các cơ sở trên địa bàn quản lý, không bố trí nguồn lực theo kế hoạch và tương tự như với cấp tỉnh.

Cùng với việc thống nhất cách hiểu và làm rõ nội hàm của thuật ngữ “sự cố môi trường”, cần xác định lại rõ trách nhiệm chỉ đạo, chỉ huy, phối hợp lực lượng, huy động nguồn lực, tổ chức hoạt động ứng phó sự cố môi trường của cá nhân/tổ chức các cấp. Đồng thời, kiện toàn Ban chỉ đạo, ban chỉ huy ứng phó sự cố môi trường các cấp, cần phải có những thành viên có kiến thức chuyên sâu, có kinh nghiệm thực tế để bảo đảm đủ năng lực chỉ đạo, chỉ huy chính xác, kịp thời, hiệu quả.

PHẠM VĂN SƠN

Giám đốc điều hành Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam

Bài đăng tại Báo điện tử Đại biểu nhân dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/lo-hong-phap-luat-ve-su-co-moi-truong-i310158/

    Bình luận

Bài viết liên quan

Tháng Một 22, 2025
SOS MÔI TRƯỜNG: TẬP HUẤN NÂNG CAO NĂNG LỰC ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU TẠI TỈNH KHÁNH HOÀ

Ngày 31.07.2024, Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường Khánh Hòa tổ chức lớp tập huấn kỹ năng ứng phó sự cố tràn dầu cho hơn 200 học viên là cán bộ, công nhân viên thuộc các cảng biển, bến thủy nội địa, […]

Tháng Một 22, 2025
DIỄN TẬP SỰ CỐ TRÀN DẦU TẠI KHO CẢNG BÌNH THẮNG

Chiều 25-12, Tổng Công ty Xuất nhập khẩu Thanh Lễ phối hợp với Trung tâm SOS Môi trường tổ chức buổi diễn tập sự cố tràn dầu tại Kho cảng xăng dầu Bình Thắng (TP.Dĩ An). Diễn tập xử lý sự cố tràn dầu ở Kho cảng Bình Thắng  Tình huống giả định, trong quá […]

Tháng Một 22, 2025
FUTURE BLUE INNOVATION 2024: Hành Trình Xanh Của Thế Hệ Trẻ

Cuộc thi “Future Blue Innovation 2024” – Sáng tạo vì một hành tinh xanh do Thành đoàn Hà Nội tổ chức đã tạo ra một sân chơi ý nghĩa và bổ ích nhằm thúc đẩy sự sáng tạo và tìm kiếm những sáng kiến bảo vệ môi trường trong đoàn viên, thanh niên là học […]