MẤT THÍNH LỰC Ở CÔNG NHÂN XÂY DỰNG: HÓA CHẤT CÓ THỂ KHIẾN TÌNH TRẠNG TRỞ NÊN TỒI TỆ HƠN
Ba trong số bốn công nhân xây dựng tiếp xúc với mức tiếng ồn nguy hại trên công trường xây dựng. Mức tiếng ồn được xem là nguy hại khi đạt 85db hoặc cao hơn. Một nghiên cứu của Viện Quốc gia An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp Hoa Kỳ (NIOSH) kiểm tra khả năng mất thích lực trong các ngành công nghiệp cho thấy các công nhân xây dựng có mức độ mất thính lực cao hơn so với công nhân trong hầu hết các ngành công nghiệp. Tỷ lệ cao nhất thuộc về công nhân xây dựng trong các công trình xây dựng nhà ở, cầu, đường cao tốc, cũng như công trình dân dụng và công nghiệp. Với các máy móc công cụ hạng nặng, các thiết bị di động và các nguồn gây tiếng ồn nguy hại khác hiện diện tại nhiều công trường xây dựng, người lao động có nhiều lý do để đeo các thiết bị bảo vệ thính lực. Tuy nhiên, một nghiên cứu cho thấy một trong ba công nhân xây dựng tiếp xúc với tiếng ồn nguy hại không đeo thiết bị bảo vệ thính lực.
Hóa chất độc hại có thể gây mất thính lực
Hóa chất độc hại không chỉ nguy hiểm đến sức khỏe của chúng ta qua hô hấp, tiêu hóa, và tiếp xúc với da, mà chúng cũng có thể gây mất thính lực khi kết hợp với các mức tiếng ồn thấp hơn giới hạn tiếp xúc trung bình theo thời gian 85db đối với tiếng ồn.
Nhiều hóa chất có thể làm tăng tác hại của tiếng ồn khi các cá nhân bị phơi nhiễm với cả âm thanh lớn và hóa chất. Loại mất thính lực này được gọi là độc tính ở tai (ototoxicity). Độc tính ở tai xảy ra khi các chất hóa học ảnh hưởng đến thính giác hoặc hệ thống thính giác. Nhiều công nhân không biết tình trạng mất thính lực đã xảy ra cho đến khi hoàn thành đo thính lực và tư vấn kết quả với bác sỹ hoặc nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe được cấp phép khác.
Hàng trăm hóa chất gây độc tính trên tai được NIOSH và các tổ chức khác xác định:
– Dược phẩm (như aspirin, thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và thuốc lợi tiểu).
– Dung môi (như toluen, xylen và styren, được tìm thấy trong chất pha loãng, chất tẩy dầu mỡ và nhiều loại sơn).
– Chất gây ngạt (như carbon monoxide, hydrogen cyanide, và khói thuốc lá).
– Ni-trin (như butenenitrile, cis-2-pentenenitrile và acrylonitril).
– Kim loại và hợp chất (như hợp chất thủy ngân, hợp chất thiếc hữu cơ và chì).
– Thuốc trừ sâu (như organophosphates, paraquat, pyrethroid, hexachlorobenzene).
Bảo vệ người lao động khỏi các hóa chất có thể gây mất thính lực
Để bảo vệ tình trạng mất thính lực, các hóa chất có đặc tính gây độc trên tai cần được xác định trước khi tiếp xúc. Người lao động và người sử dụng lao động phải xem xét bảng dữ liệu an toàn hóa chất (SDSs) để xác định các hóa chất độc hại cho tai khác nhau hiện đang được sử dụng tại nơi làm việc.
Năm 2019, Hội nghị các nhà vệ sinh công nghiệp thuộc chính phủ Hoa Kỳ (ACGIH) đã thông qua một ký hiệu OTO gây độc trên tai để nhấn mạnh khả năng gây mất thính giác của một hóa chất đơn lẻ hoặc khi kết hợp với tiếng ồn. Nếu hóa chất gây độc tính trên tai có tại nơi làm việc, ACGIH gợi ý sử dụng các biện pháp kiểm soát hành chính, kỹ thuật và PPE để giảm việc tiếp xúc với tiếng ồn. Họ cũng gợi ý đưa những nhân viên bị ảnh hưởng vào các chương trình bảo vệ thính giác và giám sát y tế để theo dõi tình trạng mất thính lực.
Đặc biệt, khi người lao động tiếp xúc với tiếng ồn và độc tính trên tai như carbon monoxit, hydro cyanide, chì và hỗn hợp dung môi hòa tan, ACGIH gợi ý rằng người sử dụng lao động cần thực hiện đo thính lực đồ định kỳ. Thính lực đồ cũng cần được thực hiện ở những nơi không có tiếng ồn nhưng có sự phơi nhiễm ethylbenzene, styrene, toluene, hoặc xylene tại nơi làm việc.
Loại bỏ hoặc thay thế các hóa chất gây độc tính trên tai khi có thể
Xem xét các rủi ro liên quan đến hóa chất gây độc tính trên tai và xác định xem liệu chúng có cần thiết cho công việc và các kết quả mong muốn của dự án không. Bằng cách thực hiện đánh giá rủi ro, các tổ chức có thể đánh giá những ảnh hưởng có hại của hóa chất đến công việc của họ, và đưa ra quyết định đúng đắn về việc có nên thực hiện một giải pháp thay thế an toàn hơn hay không. Ngoài ra, các bộ phận thu mua của doanh nghiệp và cá nhân liên quan phải được huấn luyện để nhận biết các hóa chất có khả năng gây độc tính trên tai tiềm ẩn để có thể nhận dạng mối nguy trước khi mua các sản phẩm nguy hại.
Có thể sửa đổi quy trình làm việc để loại trừ các hóa chất gây độc tính trên tai hoặc thay thế bằng những hóa chất ít gây hại hơn không? Ví dụ, nếu máy phát điện di động có thể đạt được kết quả tương tự như phiên bản chạy bằng xăng, thì đây có thể là một cách đơn giản để giảm việc tiếp xúc của người lao động với carbon monoxide từ khí thải của máy phát điện cũng như từ toluen có trong xăng dầu. Nếu điều này không khả thi, hãy xem xét thực hiện các biện pháp kiểm soát kỹ thuật và/hoặc hành chính, như giảm số lượng công nhân tiếp xúc hoặc giảm thời gian phơi nhiễm của công nhân.
Chương trình Bảo vệ thính lực phù hợp bao gồm tất cả các cấp của tổ chức
Khi người sử dụng lao động đang xem xét các cách để ngăn chặn tình trạng mất thính lực liên quan đến công việc, thì quy trình ra quyết định cần có sự tham gia của tất cả các cấp của tổ chức. Một tổ chức phải có sự hỗ trợ của lãnh đạo để ngăn chặn tình trạng mất thính lực trong ngành công nghiệp xây dựng, cũng như thu hút được sự ủng hộ của những nhân viên tuyến đầu. Bằng cách tham gia với các phòng ban ở tất cả các cấp của tổ chức để đạt được mục tiêu chung, điều này không chỉ nâng cao việc nhận thức mối nguy và sự tham gia của người lao động, mà còn giúp tạo ra một chương trình phòng ngừa mất thính lực mạnh mẽ hơn.
Ngăn ngừa việc tiếp xúc với các hóa chất gây độc tính trên tai là một bước quan trọng trong việc giảm tình trạng mất thính lực trong ngành xây dựng. Hãy chú ý kiểm tra các bảng dữ liệu hóa chất tại công trường của bạn để xem liệu các hóa chất gây độc tính trên tai có đang được sử dụng không.
Nguồn: Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động