Trang chủ > Truyền thông > MỘT SỐ ĐIỂM MỚI VỀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI THEO QUY ĐỊNH CỦA LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG (SỬA ĐỔI)
Tháng Tám 11, 2024

MỘT SỐ ĐIỂM MỚI VỀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI THEO QUY ĐỊNH CỦA LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG (SỬA ĐỔI)

Hiến pháp năm 2013 (Điều 63) quy định “Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT), làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học phải bị xử lý nghiêm và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại”. Trên cơ sở Hiến pháp năm 2013, nhiều văn bản pháp luật khác cũng quy định cụ thể về trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại do hành vi gây ÔNMT.

          Theo quy định của pháp luật hiện hành ở Việt Nam, bồi thường thiệt hại do vi phạm pháp luật về BVMT thuộc lĩnh vực bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Do vậy, cơ sở pháp lý giải quyết các yêu cầu về bồi thường thiệt hại do vi phạm pháp luật về BVMT trước hết được thực hiện theo các quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể, Bộ luật Dân sự năm 2015 tại Điều 172 quy định: “Khi thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản thì chủ thể phải tuân theo quy định của pháp luật về BVMT; nếu làm ÔNMT thì phải chấm dứt hành vi gây ô nhiễm, thực hiện các biện pháp để khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại”, Điều 602 có nêu: ” Chủ thể làm ÔNMT mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp chủ thể đó không có lỗi”. Như vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại môi trường đối với các cá nhân, tổ chức gây ô nhiễm, suy thoái môi trường đã được Luật Dân sự quy định. Theo các quy định này, chủ thể có hành vi làm ÔNMT đồng thời gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường thiệt hại, kể cả trường hợp người gây ÔNMT không có lỗi.

           Luật BVMT năm 2014 tiếp tục khẳng định cơ sở pháp lý của việc truy cứu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi gây ÔNMT, suy thoái môi trường tại Khoản 8 Điều 4: “Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường phải khắc phục, bồi thường thiệt hại và trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật” và chi tiết hóa các quy định về bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực BVMT. Tại Luật BVMT năm 2014 đã quy định về thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường (Điều 163); Quy định nguyên tắc xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân gây ÔNMT (Điều 164); Quy định về xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường (Điều 165); Quy định về giám định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường (Điều 166); Quy định về bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường (Điều 167).

           Bên cạnh các quy định nêu trên, trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với hành vi vi phạm pháp luật về BVMT cũng được quy định bởi một số đạo luật khác có liên quan: Luật Đất đai, Luật Khoáng sản…

           Qua 6 năm thi hành, bên cạnh những ưu điểm, các quy định về bồi thường thiệt hại đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập cần phải sửa đổi bổ sung và hoàn thiện trong thời gian tới. Việc quy định chế định bồi thường thiệt hại về môi trường trong Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) tại mục 2 từ điều 136 – 141 bao gồm những điểm mới sau:

Bổ sung nguyên tắc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường như: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường của từng đối tượng được xác định theo loại chất gây ô nhiễm, lượng phát thải và các yếu tố khác; Trách nhiệm chi trả chi phí xác định thiệt hại và thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại của từng đối tượng được xác định tương ứng với tỷ lệ gây thiệt hại trong tổng thiệt hại đối với môi trường; Trường hợp không xác định được tỷ lệ gây thiệt hại của từng đối tượng, chi phí bồi thường thiệt hại về môi trường phải chia đều cho các đối tượng.

Xác định chủ thể có trách nhiệm xác định thiệt hại và yêu cầu bồi thường thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường.

           Trách nhiệm xác định thiệt hại và yêu cầu bồi thường thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường được quy định như sau: UBND cấp xã có trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường gây ra trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý của mình. Trong trường hợp này, UBND cấp xã có trách nhiệm đề nghị UBND cấp huyện tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại về môi trường; UBND cấp huyện có trách nhiệm xác định thiệt hại và yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường gây ra trên địa bàn từ hai xã, phường, thị trấn trở lên; UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xác định thiệt hại và yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường gây ra trên địa bàn từ hai huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên; Bộ TN&MT có trách nhiệm xác định thiệt hại và yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường gây ra trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

           Tổ chức, cá nhân bị thiệt hại về tính mạng, tài sản, sức khỏe của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp do hậu quả của việc suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường tự mình hoặc có thể ủy quyền cho cơ quan nhà nước; tổ chức chính trị, xã hội xác định thiệt hại và yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường theo quy định của Luật này và các luật khác có liên quan.

Quy định trình tự, thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường

          Để thực hiện công tác bồi thường có hiệu quả, Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) quy định Quốc hội ủy quyền Chính phủ hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường. Theo đó, thủ tục bồi thường thiệt hại dự kiến sẽ bao gồm các nội dung: Thông báo về thiệt hại đối với môi trường; Thủ tục tiếp nhận thông báo thiệt hại đối với môi trường; Lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ thu thập dữ liệu, chứng cứ, tính toán thiệt hại và xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại; Xác định các loại dữ liệu, chứng cứ cần thiết để tính toán thiệt hại đối với môi trường; Cách thức, phương pháp tính toán thiệt hại; Xác định kinh phí phải bồi thường và yêu cầu bồi thường. Ngoài quy trình, thủ tục, Chính phủ sẽ hướng dẫn các biểu mẫu, hồ sơ kèm theo.

Xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường gồm những nội dung: Xác định phạm vi, diện tích, khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái; Xác định số lượng thành phần môi trường bị suy giảm, các loại hình hệ sinh thái, các loài bị thiệt hại; Xác định mức độ thiệt hại của từng thành phần môi trường, hệ sinh thái, các loài.

Hình thức giải quyết bồi thường thiệt hại về môi trường: Bồi thường thiệt hại về môi trường được giải quyết thông qua các hình thức: Tự thỏa thuận giữa các bên; Hòa giải; Yêu cầu trọng tài giải quyết; Khởi kiện tại tòa án. Việc khởi kiện tại tòa án được thực hiện theo quy định về bồi thường thiệt hại dân sự ngoài hợp đồng của Bộ luật Tố tụng dân sự trừ việc chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật về môi trường và thiệt hại xảy ra thuộc trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vi phạm, gây ô nhiễm về môi trường.

Chi phí bồi thường thiệt hại về môi trường: Chi phí xác định thiệt hại; Chi phí tổ chức ứng phó sự cố môi trường. Chi phí bồi thường thiệt hại do tổ chức, cá nhân chi trả trực tiếp hoặc nộp về Quỹ BVMT để tổ chức chi trả.

Giám định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường: Bổ sung một điều mới là chi phí giám định thiệt hại sẽ do bên phải bồi thường chi trả.

Và ngày 17 tháng 11 năm 2020, Quốc hội đã ban hành Luật bảo vệ môi trường 2020 số 72/2020/QH14 thay thế cho Luật bảo vệ môi trường 2014 số 55/2014/QH13, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

Nguồn: Tạp chí Môi trường

(Visited 209 times, 1 visits today)

    Bình luận

Bài viết liên quan

Tháng Tám 11, 2024
SOS MÔI TRƯỜNG: TẬP HUẤN NÂNG CAO NĂNG LỰC ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU TẠI TỈNH KHÁNH HOÀ

Ngày 31.07.2024, Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường Khánh Hòa tổ chức lớp tập huấn kỹ năng ứng phó sự cố tràn dầu cho hơn 200 học viên là cán bộ, công nhân viên thuộc các cảng biển, bến thủy nội địa, […]

Tháng Tám 11, 2024
DIỄN TẬP SỰ CỐ TRÀN DẦU TẠI KHO CẢNG BÌNH THẮNG

Chiều 25-12, Tổng Công ty Xuất nhập khẩu Thanh Lễ phối hợp với Trung tâm SOS Môi trường tổ chức buổi diễn tập sự cố tràn dầu tại Kho cảng xăng dầu Bình Thắng (TP.Dĩ An). Diễn tập xử lý sự cố tràn dầu ở Kho cảng Bình Thắng  Tình huống giả định, trong quá […]

Tháng Tám 11, 2024
FUTURE BLUE INNOVATION 2024: Hành Trình Xanh Của Thế Hệ Trẻ

Cuộc thi “Future Blue Innovation 2024” – Sáng tạo vì một hành tinh xanh do Thành đoàn Hà Nội tổ chức đã tạo ra một sân chơi ý nghĩa và bổ ích nhằm thúc đẩy sự sáng tạo và tìm kiếm những sáng kiến bảo vệ môi trường trong đoàn viên, thanh niên là học […]