QUY TRÌNH ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU VỚI BỘ ỨNG PHÓ KHẨN CẤP (OIL SPILL KIT)
Sự cố môi trường nói chung và sự cố tràn dầu chất nói riêng, đều sẽ trở thành hiểm họa khó lường nếu chúng ta không biết cách xử lý. Dưới đây là các bước cơ bản trong ứng phó sự cố tràn dầu với bộ dụng cụ ứng phó khẩn cấp hay còn có tên tiếng Anh là Oil Spill Response Kit.
Bộ ứng phó khẩn cấp (Oil Spill Kit)
1/ ĐÁNH GIÁ RỦI RO
Ngay sau khi xảy ra sự cố tràn đổ, một số câu hỏi sẽ được đặt ra:
- Chất lỏng tràn ra là gì? Dầu hay hoá chất tràn?
- Độc tính của chất lỏng đối với sức khoẻ con người
- Chất lỏng có dễ cháy không?
- Nguồn tràn ra từ đâu?
- Lượng tràn ra là bao nhiêu?
- Có thương vong khi xảy ra sự cố không?
- …
2/ TỰ XỬ LÝ HAY GỌI ĐỘI ỨNG PHÓ?
Chính những câu trả lời của bạn cho những câu hỏi trên sẽ là căn cứ cho việc đưa ra quyết định nên xử lý như thế nào. Nếu sự cố nhỏ, nằm trong khả năng tự ứng phó của cơ sở, thì đội ứng phó sự cố tràn dầu của cơ sở sẽ thực hiện xử lý. Ngoài ra, trong trường hợp sự cố vượt quá khả năng tự ứng phó, cơ sở có thể sẽ nhờ đến sự trợ giúp của các lực lượng chuyên nghiệp, có đầy đủ năng lực về trang thiết bị vật tư chuyên dụng và kỹ năng của người ứng phó.
Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam (Hotline: 18006558), thuộc Hội bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, là đơn vị chuyên trách về công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trên cả nước.
3/ CẢNH BÁO CHO MỌI NGƯỜI
Đảm bảo rằng tất cả mọi người không tiếp xúc trực tiếp hay di chuyển gần khu vực sự cố. Trong trường hợp sự cố lớn, cần sơ tán mọi người và gọi ngay cho đơn vị có năng lực chuyên môn xử lý.
4/ MẶC QUẦN ÁO BẢO HỘ
Trang bị bảo hộ cá nhân cơ bản (PPE – Personal Protective Equipment) như găng tay chống dầu/hoá chất, khẩu trang, kính bảo hộ luôn được trang bị sẵn trong các bộ Kit, hoặc đặt gần đó. Trước khi tiến hành xử lý, hãy sử dụng chúng để đảm bảo an toàn. Nếu không rõ về loại trang bị nào phù hợp, hãy kiểm tra tại Bảng thông tin an toàn (MSDS) và nên sử dụng trang bị ở mức cao hơn.
5/ NGĂN CHẶN, HẠN CHẾ PHẠM VI TRÀN ĐỔ
Xác định nguồn gây ra sự cố, và nếu đảm bảo an toàn, hãy ngăn chặn nguồn rò rỉ (dựng thùng chứa, đặt khay hứng, khoá van…) để hạn chế việc dầu lan rộng và dễ dàng cho công tác ứng phó, xử lý.
6/ LÀM SẠCH
Sau khi đã xử lý dầu tràn bằng các biện pháp khác nhau: sử dụng các vật tư thấm dầu như phao quây thấm dầu, tấm thấm dầu, gối thấm dầu, cuộn thấm dầu để thấm hút, hay sử dụng bơm bơm hút dầu để hút dầu tràn, … thì tiến hành sử dụng chất thấm hút dầu chuyên dụng để làm sạch bề mặt. Đối với trường hợp bề mặt cần làm sạch là nền bê tông, bề mặt kim loại, … thì sử dụng chất thấm hút dầu/hóa chất trên nền sàn cứng KLEEN SWEEP, còn với trường hợp khu vực làm sạch là những nơi chưa bị bê tông hóa, sử dụng chất thấm và phân huỷ vi học dầu REMEDIATOR. Cuối cùng, sau khi dọn dẹp xong, làm sạch trang thiết bị, quần áo bảo hộ của những người tham gia ứng phó, xử lý sự cố; thu gom các chất thải nhiễm dầu về kho lưu chứa chất thải nguy hại. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, cần phải tiến hành khử nhiễm quần áo của người ứng phó.
7/ BÁO CÁO
Hoàn thiện các giấy tờ, báo cáo về sự cố: nguyên nhân, hướng giải quyết, các bước tiến hành, ảnh hưởng của sự cố tới con người/môi trường, … Phải báo cáo cho cấp trên hoặc những cơ quan có thẩm quyền.
Một số văn bản quy định về ứng phó sự cố tràn dầu:
– Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg ngày 24/03/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu.
– Luật Bảo vệ môi trường 2020 số 72/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020.
– Nghị định số 99/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 08 năm 2020 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.
– Quyết định số 133/QĐ-TTg ngày 17 tháng 01 năm 2020 Ban hành Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu.
Xem thêm tại: https://sosmoitruong.com/download/
8/ BỔ SUNG VẬT TƯ
Sau khi xử lý xong, cần bổ sung lại số lượng vật tư tiêu hao đã sử dụng để ứng phó sự cố, phòng ngừa khi có sự cố tiếp theo xảy ra.