SẢN PHẨM VẢI LỌC DẦU CỦA VIỆT NAM GÂY ẤN TƯỢNG VỚI NHIỀU NHÀ KHOA HỌC NGA.
Trong khuôn khổ Hội thảo liên ngành lần thứ II “Quy định nhà nước trong lĩnh vực phòng ngừa, ứng phó sự cố tràn dầu trên biển và lãnh thổ Liên bang Nga” tổ chức từ 15/9 đến 17/9/2021 tại thành phố Novorossiysk, Tổng thư ký Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam Ông Phạm Văn Sơn đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động ứng phó sự cố với phương châm 4 tại chỗ và giới thiệu những sản phẩm ứng phó chuyên dụng do chính Việt Nam sản xuất. Bài phát biểu trực tuyến này đã gây ấn tượng, để lại dấu ấn với nhiều nhà khoa học có mặt tại Hội thảo.
Là thành viên nước ngoài duy nhất tham gia Hội thảo, Ông Phạm Văn Sơn đã chia sẻ những nội dung trong sự quan tâm của những nhà nghiên cứu, nhà quản lý và những đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực ứng phó sự cố tràn dầu tại Liên bang Nga. Ông Phạm Văn Sơn chia sẻ: “Trong Hội thảo này tôi đã nói về phương châm 4 tại chỗ (cụ thể: Trang thiết bị vật tư chuyên dụng, Phương tiện, Nhân lực và Chỉ huy) của Thượng tướng, viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu được Trung tâm SOS Môi trường thuộc Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam áp dụng triệt để không phải ở cấp vùng, cấp tỉnh/thành phố mà ở tận cấp cơ sở. Tôi đã nói về thực tiễn ứng cứu xử lý 124 sự cố của Trung tâm Ứng phó sự cố Môi trường Việt Nam, và để minh họa, tôi không chọn các sự cố ở biển, sông, cảng, trên đường bộ, mà sự cố tràn dầu trên núi tại tỉnh Hòa Bình gây ô nhiễm không phải môi trường nước nói chung, mà là chính nguồn nước ăn uống trực tiếp của người dân thủ đô Hà Nội. Qua đó tôi muốn nhấn mạnh: Các sự cố tràn dầu có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào và bất cứ nơi đâu nên chúng ta luôn phải sẵn sàng cho công tác ứng phó, và nên mở rộng các hội thảo quốc tế trực tuyến để chia sẻ kinh nghiệm thường xuyên hơn nữa giữa các nước trên thế giới”.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh – Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cũng nhận định “Sự cố luôn mang đến những yếu tố bất ngờ, phương châm của những nghiên cứu và những hoạt động của Trung tâm SOS thuộc Hội cũng luôn đáp ứng kịp thời, nhanh nhạy, hiệu quả và tiết kiệm chi phí tối đa cũng như giảm thiểu hậu quả tác động tới môi trường. Tôi cảm thấy những chia sẻ của Tổng thư ký tại Hội thảo của Liên Bang Nga lần này là đầy đủ, đảm bảo tính lý thuyết cũng như kinh nghiệm thực tiễn, hi vọng sẽ có nhiều sự kết nối giữa những nhà nghiên cứu, nhà khoa học và những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường kết nối và trao đổi kiến thức với nhau cho hoạt động này ngày càng được nhân rộng để Thế giới xanh, sạch và an toàn hơn”.
Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu – Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng là người luôn dành tình cảm và quan tâm tới các hoạt động của Liên Bang Nga cũng chia sẻ “Tổng thư ký Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam Phạm Văn Sơn đã nhắc tới những điều tôi luôn quan tâm, thứ nhất phương châm 4 tại chỗ hiện nay đã được áp dụng rộng rãi, không chỉ trong công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố mà còn trong phòng chống dịch, và Trung tâm SOS luôn quán triệt và thực hiện nghiêm túc, sáng tạo điều này. Với những kinh nghiệm thực tiễn khi đã ứng phó 124 sự cố, Trung tâm SOS sẽ để lại dấu ấn với các bạn Nga vì người Nga luôn rất hài hòa nhưng chú trọng bài học thực tế. Hơn nữa thông qua Hội thảo lần này, thỏa thuận được ký kết giữa tôi và Tướng Сергей Кужугетович Шойгу và cũng là cam kết giữa hai quốc gia Việt Nam và Liên Bang Nga trong hợp tác về khoa học, công nghệ, đưa nhiều ứng dụng thiết thực vào bảo vệ môi trường cũng như đảm bảo các hoạt động quốc phòng một lần nữa được nhắc lại. Chắc chắn trong thời gian tới, sẽ có nhiều những hoạt động liên kết giữa Việt Nam và Nga để mở rộng những chương trình hướng tới mục tiêu chung của Thế giới cũng như đảm bảo phát triển công nghệ cho hai quốc gia Việt Nam và Liên Bang Nga”
Những thông tin xác thực, có ý nghĩa được trình bày trong Hội thảo đã mở ra nhiều điều bổ ích, phục vụ công tác nghiên cứu, giải pháp ứng dụng cho những nơi có nguy cơ xảy ra sự cố ở Liên bang Nga. Ông Сергей Валентинович – Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu thiết kế phương Nam (Южный научно-исследовательский проектно-конструкторский институт морского флота) cũng chia sẻ thật sự ấn tượng với bài phát biểu này, đại diện từ Việt Nam đã mang tới nhiều kinh nghiệm quý báu.
Sau bài phát biểu của Ông Phạm Văn Sơn, GS.TSKH. Яна Юрьевна Блиновская của trường Đại học tổng hợp viễn đông Liên bang Nga – chuyên gia môi trường quốc tế đã từng sang Việt Nam tham gia Hội thảo tại Đà Nẵng năm 2018 cũng chia sẻ về sản phẩm vải lọc dầu SOS-1 sản xuất tại Việt Nam đã được Bà phân tích thử nghiệm cho kết quả tốt và hi vọng thời gian tới sản phẩm này được sử dụng rộng rãi hơn không chỉ ở Việt Nam, ở Nga mà còn ở nhiều quốc gia trên Thế giới. Việt Nam sẽ chủ động sản xuất được nhiều sản phẩm ứng phó sự cố tràn dầu, xử lý ô nhiễm dầu, và vải lọc dầu chỉ là một trong số những sản phẩm đó.
Bước đầu cảm nhận về những chia sẻ của đại diện Việt Nam lại là thành viên nước ngoài tham gia trực tuyến duy nhất khiến cho nhiều bạn Nga tại Hội thảo hiểu hơn về thuận lợi, khó khăn, bài học kinh nghiệm trong công tác ứng phó sự cố tràn dầu tại Việt Nam.
Theo chương trình, ngày hôm nay 17/9 các đại biểu Hội thảo sẽ đi thăm quan và tổng kết. Chúc Hội thảo tại Liên bang Nga thành công tốt đẹp để lại nhiều dấu ấn, là động lực và mở đầu cho nhiều chương trình hợp tác, liên kết ý nghĩa trong tương lai.
Một số hình ảnh khác tại buổi Hội thảo: