SÁNG KIẾN TỪ “CÁI KHÓ LÓ CÁI KHÔN”
Chuẩn bị cho chương trình tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Duy trì hoạt động bảo vệ môi trường trong bối cảnh dịch bệnh covid 19” được tổ chức từ 9h đến 11h Thứ tư ngày 25.8, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi – Đại biểu Quốc hội Khóa XV, Ủy viên Thường vụ Hội Bảo vệ Thiên nhiên môi trường Việt Nam đã có những câu trả lời ngắn xoay quanh công tác chuẩn bị.
Câu hỏi 1: Thưa Ông, với rất nhiều dự báo về biến đổi khí hậu, đặc biệt là những vấn đề có thể xảy ra với môi trường biển, ông thấy thời điểm dịch bệnh Covid 19 liệu có nhiều cảnh báo bị bỏ qua hay không?
Đúng là BĐKH (Climate change) cùng với biến đổi đại dương (Ocean change) đã, đang và sẽ tác động mạnh và lâu dài đến biển, đảo và vùng ven biển. Trong vùng biển nước ta, hai hiện tượng đặc biệt và bao trùm này, trong chừng mực nhất định, có thể nhận diện được thông qua các biểu hiện, như: nước biển dâng, axit hóa nước biển, nước biển ấm lên, thiếu hụt ôxy trong nước biển, thay đổi điều kiện sinh thái giới hạn và suy thoái các hệ sinh thái biển, gia tăng xói lở bờ biển, hạn mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, sụt giảm trữ lượng các quần đàn thủy sản,… Ngoài ra, nhiều bãi rác thải nhựa lớn tồn lưu ở các vùng ven biển, đảo và đáy biển; hàng triệu tấn vật chất được nhận chìm trong vùng Nội thủy và một phần lãnh hải,…vẫn đang còn đấy, và các sự cố xả thải và tràn dầu vào môi trường biển vẫn tiếp tục diễn ra ngoài mong muốn của chúng ta trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát với những tác động không dễ dự báo. Đại dịch Covid-19 không chỉ làm giãn cách xã hội và con người với nhau, cắt đứt các mối liên kết thông thường, thậm chí tối thiểu thường ngày, mà còn cướp đi mạng sống vĩnh viễn của bao con người vô tội. Đại dịch cũng tạo ra các vấn đề môi trường riêng của nó, và để kiểm soát dịch bệnh, các yêu cầu bảo vệ môi trường và các bài học về quy hoạch biển và môi trường biển – ven biển tốt sẽ vẫn còn nguyên giá trị. Điều kiện sống chật chội, chen chúc, thiếu không gian sống sạch, nghèo khó,…khiến cho cuộc chiến chống lại đại dịch cũng gặp những khó khăn nhất định và khó kiểm soát hơn. Rõ ràng, trong đại dịch Covid-19 có “nguy” nhưng cũng có “cơ” cho chúng ta ngộ dần ra nhiều điều, trong đó có việc tổ chức lại không gian phát triển, không gian sinh tồn, cả ở đô thị và nông thôn ven biển, trên đảo, V.v..
Câu hỏi 2: Thưa ông, với lĩnh vực và chủ đề ông luôn quan tâm là môi trường biển, ngoài những thông tin ông đã thường xuyên trình bày ở các hội thảo và những thông tin cập nhật trong nhiều cuốn sách ông tham gia, nhận định của ông về sự quan tâm của mọi người với các vấn đề liên quan tới môi trường đặc biệt là môi trường biển hiện nay như thế nào? Những mối quan tâm đó tập trung vào các vấn đề gì, thưa ông?
Trên đất liền, chặt một vạt rừng có thể dễ dàng bị phát hiện và rũ tù, nhưng dưới biển hàng trăm kilomet vuông “lòng biển” với các rạn san hô dưới đáy bị phá tan hoang, nhưng không dễ gì phát hiện và thừa nhận. Cho nên, các nhà khoa học biển luôn là lực lượng tiên phong quan tâm và có khả năng khám phá các bí mật của biển, cung cấp kịp thời luận chứng khoa học cho các quyết định quản lý. Gần đây, các nhà khoa học đã cảnh báo Biển Đông, trong đó có biển nước ta, tiếp tục bị “đầu độc”, cần phải duy trì các hành động cần thiết, tối thiểu để không làm cho sức khỏe của biển (Ocean health) xấu thêm. Bộ Tài nguyên và Môi trường, thông qua “Báo cáo hiện trạng môi trường biển giai đoạn 2016-2020” đã cảnh báo một số vấn đề môi trường biển và gợi mở một số việc cần làm để cải thiện chất lượng môi trường biển. Sau Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban chấp hành TW Đảng (Khóa XII, năm 2018) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các bộ ngành và địa phương liên quan đang triển khai, cụ thể hóa với các ưu tiên và trọng tâm là bảo vệ môi trường và tài nguyên biển – tức là bảo toàn “nguồn vốn tự nhiên biển” cho phát triển kinh tế biển xanh. Ngoài các vấn đề môi trường biển cụ thể, được các ngành, địa phương và người dân quan tâm như nói trên, hiện mọi người quan tâm đến các giải pháp mang tính đột phá và liên ngành, liên vùng như: vấn đề quy hoạch không gian biển, nếu làm tốt, sẽ giải quyết các xung đột môi trường ngay từ giai đoạn sớm của quá trình phát triển; vấn đề giảm thiểu và quanh vòng các sản phẩm nhựa để cứu môi trường biển và ngành du lịch biển; vấn đề bảo tồn biển, trong đó có quản trị hiệu quả khu bảo tồn biển trên cơ sở đồng quản lý; vấn đề ngăn ngừa và xử lý kịp thời các sự cố môi trường biển, trong đó có sự cố tràn dầu. Cá nhân tôi còn quan tâm đến vấn đề “An ninh môi trường biển”, đặc biệt liên quan tới phá hủy các rạn san hô làm đảo nhân tạo, và đánh bắt hải sản bất hợp pháp (IUU), v.v.. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 không chỉ có những tác động cấp diễn, mà còn trường diễn, khó lường, nguồn lực xã hội tiếp tục bị tiêu hao và cạn dần, kinh tế và đời sống người dân khó khăn hơn, thì các giải pháp “Chung sống với Covid” cần phải được quan tâm. Để tránh bị chia cắt nguồn lực trong bảo vệ môi trường biển, thì việc: (i) duy trì và kết nối thông tin với các nhà khoa học biển để nhận được những cảnh báo kịp thời là cần hơn lúc nào hết; (ii) phân cấp mạnh cho địa phương trong công tác bảo vệ môi trường biển, ven biển, trên đảo; (iii) triển khai áp dụng phương thức đồng quản lý tài nguyên và môi trường biển nhằm cụ thể hóa nguyên tắc “Nhà nước và Nhân dân cùng làm, cùng hưởng”; (iv) phát huy các sáng kiến, thúc đẩy sáng tạo các mô hình bảo vệ môi trường “tại chỗ”, ngay cả đối với ứng cứu sự cố tràn dầu trên biển, ở ven bờ.
Câu hỏi 3: Về chủ đề của tọa đàm “Duy trì hoạt động bảo vệ môi trường trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19” ông mong muốn sẽ đạt được mục tiêu gì trong khuôn khổ của một buổi tọa đàm trực tuyến?
Đây là sáng kiến từ “cái khó ló cái khôn”. Covid chia cắt các nhóm xã hội – nghề nghiệp, nhưng không chia cắt được lòng người, được trách nhiệm của mọi người đối với công việc. Nhiều mô hình vươn lên trong đại dịch, không đầu hàng, không ngồi nhìn mà cố gắng tối đa có thể để đóng góp cho lĩnh vực hoạt động của mình dần trở về mức “Bình thường mới”. Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) phối hợp với Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam (SOS) triển khai sáng kiến này cũng không ngoài mục đích đó và đúng như cái tên của Tọa đàm. Vạn sự khởi đầu nan, đây là buổi đầu tiên của Tọa đàm này, cho nên tôi hy vọng trước hết để mọi người biết đến nó để tham gia các tọa đàm tiếp sau; thứ nữa là cố gắng gợi mở một vài vấn đề để chia sẻ và làm cơ sở cho thảo luận, trao đổi; và cuối cùng qua lần này, nhóm khơi mào sẽ phải rút kinh nghiệm, tiếp thu ý kiến của các bên tham gia khác để Tọa đàm tiếp tới sẽ có chất lượng tốt hơn./.
Link: http://vacne.org.vn/sang-kien-tu-%E2%80%9Ccai-kho-lo-cai-khon%E2%80%9D/219893.html
———–
Tọa đàm trực tuyến:
“DUY TRÌ HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19”
1/ THỜI GIAN: Từ 9h đến 11h00 ngày 25.8.2021
2/ HÌNH THỨC: Zoom Cloud Meeting + Live stream qua facebook của Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam.
Link: https://www.facebook.com/sosmoitruongvietnam
3/ PHÍ THAM GIA: Miễn phí
Để đặt câu hỏi cho các chuyên gia, vui lòng ấn vào link: https://bit.ly/2XxNzms
4/ Mọi thắc mắc xin liên hệ
- Hotline: 0967 896 191 (Mr Tùng)
- Email: tungpt@sosmoitruong.com
- Fanpage: https://www.facebook.com/sosmoitruongvietnam
- Website: https://sosmoitruong.com/
- Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCMcKdxu8doVkJ02e3armpkQ