Sự cố cháy nhà máy bóng Rạng Đông nguy hại như thế nào?
Ngày 30 tháng 8 năm 2019, kênh truyền hình VTC14 có phỏng vấn ông Phạm Văn Sơn – Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam và các chuyên gia về các vấn đề liên quan đến công tác phòng ngừa ứng phó sự cố và hậu quả ô nhiễm hóa chất phát tán ra môi trường từ vụ hỏa hoạn tại Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông.
Nhà máy phích nước Rạng Đông cháy dữ dội đêm ngày 28/08
Dưới đây là những nội dung chính của ông Phạm Văn Sơn trao đổi với phóng viên kênh truyền hình VTC14:
1) Việc chính quyền địa phương ra thông báo kịp thời hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân là cần thiết khi chúng ta không biết, không có thông tin về các loại hóa chất bị cháy hoặc có nguy cơ bị cháy phát tán vào môi trường không khí và nước.
2) Lực lượng chữa cháy đến chỉ thực hiện hoạt động phun nước dập lửa. Nhưng chữa cháy cơ sở có lưu chứa/sử dụng hóa chất lại luôn tiềm ẩn các nguy hiểm:
– Một hóa chất thông thường nào đó không độc, nhưng có thể phát sinh khí độc hại khi tiếp xúc và phản ứng với nước.
– Người tham gia chữa cháy và những người xung quanh có thể bị nhiễm hóa chất độc, thậm trí ngay cả khi đeo mặt nạ và trang bị bảo hộ cá nhân nhưng không đảm bảo an toàn với hóa chất độc đó.
– Nước chữa cháy có thể làm lan truyền các chất độc hại nhiễm vào đất và nguồn nước, hậu quả còn nghiêm trọng hơn nếu không phun nước đối với một số hóa chất.
Hoạt động ứng phó sự cố hóa chất khác hoàn toàn so với hoạt động chữa cháy. Cần phải biết rất rõ các loại hóa chất đang bị cháy trong khu vực cháy và có nguy cơ bị cháy để xác định phương án ứng phó an toàn và hiệu quả.
3) Các cơ sở có lưu chứa/sử dụng hóa chất luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố với hậu quả nghiêm trọng, và hậu quả càng trở nên nghiêm trọng hơn khi các cơ sở này hoạt động tại khu vực nội thành đông dân cư.
4) Kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố hóa chất vô cùng quan trọng. Ngoài các nội dung liên quan đến thông báo, báo động, phương án ứng phó… cần nêu rõ tại nhà máy/cơ sở có các loại hóa chất nào đang được sử dụng cho sản xuất/có trong thành phẩm, số lượng tồn chứa lớn nhất mỗi loại hóa chất tại một thời điểm là bao nhiêu, loại hóa chất nào lưu chứa ở kho nào hoặc khu vực nào trong kho.
Cơ quan quản lý/chính quyền địa phương phải có bản Kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất của nhà máy/cơ sở, phải được tiếp cận và kiểm soát thông tin về hóa chất như nêu trên trong toàn bộ quá trình hoạt động của nhà máy/cơ sở lưu chứa/sử dụng hoá chất tại địa phương. Điều đó rất quan trọng để trong trường hợp xảy ra sự cố các chuyên gia và lực lượng chức năng có thể xác định được mức độ nguy hiểm, xác định phương án ứng phó kịp thời và hiệu quả.
Bên cạnh đó, việc định kì kiểm tra để kịp thời phát hiện rủi ro tiềm ẩn trong khâu nhập hàng, sử dụng, sang chiết, cơ sở hạ tầng lưu chứa hóa chất là hết sức cần thiết cho phòng ngừa. Còn nếu để sự cố đã xảy ra rồi thì công việc còn lại hầu hết chỉ là khắc phục hậu quả. Hậu quả đó sẽ nghiêm trọng và lâu dài đối với con người, môi trường. Khó có thể đánh giá được hết hậu quả khôn lường của sự cố hóa chất đối với nạn nhân, ảnh hưởng đối với thế hệ con cháu của nạn nhân và những người khác bị nhiễm độc tích tụ lâu dài trong môi trường tự nhiên.
Hiện nay tại Việt Nam mới chỉ có Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam (Trung tâm SOS MÔI TRƯỜNG) thuộc Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam có hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu-hóa chất thực tiễn cả trên cạn và dưới nước trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên rất tiếc chúng tôi không nhận được thông tin kịp thời về sự cố này. Trong trường hợp có sự cố, chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận thông tin qua số hotline 1800 6558 để triển khai hoạt động ứng phó khẩn cấp kịp thời.
Link video xem tại: https://www.youtube.com/watch?v=7IBozQbzypI&feature=share&fbclid=IwAR1xKPJUQy8qDLJskhRcvtBjfyVAVOCsy9OOtaETisu5VFfa9jqzheO8WGA