Sự cố dầu tràn trên biển: Việt Nam nằm trong top 3
Theo thống kê, từ năm 1992 đến nay có 190 sự cố tràn dầu xảy ra tại Việt Nam. Đây là nguyên nhân lớn gây ô nhiễm biển.
Trong gần 30 năm, 190 vụ tràn dầu?
Theo thống kê của Hiệp hội các chủ hàng chở dầu quốc tế, trong số 39 quốc gia được thống kê, Việt Nam là một trong 3 quốc gia (cùng với Trung Quốc và Hoa Kỳ) có số lượng sự cố tràn dầu nhiều nhất với số lượng từ 10 sự cố trở lên, trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2014.
Là người đứng đầu Trung tâm SOS đã có thực tiễn ứng phó 99 sự cố tràn dầu tại Việt Nam, trước thực trạng về các sự cố tràn dầu xảy ra tại Việt Nam trong những năm gần đây, đặc biệt là sự cố tràn dầu xảy ra trên biển, ông Phạm Văn Sơn, Tổng Thư ký Hội bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam cho biết, theo thống kê, từ năm 1992 đến nay có 190 sự cố tràn dầu xảy ra tại Việt Nam, trong đó có 37 vụ ngoài khơi chiếm 19%, 88 vụ ven bờ chiếm 47% và 65 vụ trên đất liền chiếm 34%.
Cũng theo ông Sơn, sự cố tràn dầu ven bờ xảy ra nhiều nhất (47%) do rủi ro ở khu vực này cao hơn, mật độ lưu thông các tàu thuyền lớn, nguy cơ tàu va đâm nhau, hay tàu va đâm vào cầu cảng, bị mắc cạn cao hơn rất nhiều so với trên biển. Sự cố tràn dầu trên đất liền chiếm tới 34% không phải là con số nhỏ.
Ông Sơn cũng chỉ ra rằng, nếu chúng ta nói “Đặc biệt là sự cố tràn dầu xảy ra trên biển” thì chưa hẳn đã chính xác, vì về mặt số lượng sự cố tràn dầu xảy ra trên biển chỉ chiếm 19%. Trong những năm gần đây chúng ta còn thấy hiện tượng dầu tràn dạt vào đường bờ của nhiều tỉnh miền Trung và miền Nam.
Ông Sơn cho rằng, có một thực tế là chúng ta mới chỉ quan tâm đến sự cố tràn dầu, coi sự cố tràn dầu là thủ phạm chính gây ô nhiễm biển.
“Nhưng chúng ta lại bỏ qua một thủ phạm khác nguy hiểm hơn nhiều lần. Đó là các nguồn ô nhiễm dầu phát thải từ hàng trăm ngàn các cơ sở trên bờ, các cửa hàng xăng dầu, các trạm sửa chữa cơ khí, rửa xe… thải ra sông chảy ra biển, nước nhiễm dầu đáy tàu của gần 100 ngàn tàu thuyền đánh cá hàng ngày xả trực tiếp ra biển không hề qua xử lý”- ông Sơn nêu quan điểm.
Cũng theo ông Sơn thông tin, tổng lượng dầu thải ra môi trường biển một cách âm thầm từ các nguồn nêu trên cao gấp hàng trăm lần so với tổng lượng dầu gộp lại từ các sự cố tràn dầu gây ra.
Theo: Báo Tiền Phong