Trang chủ > Truyền thông > SỰ CỐ HOÁ CHẤT – ỨNG PHÓ PHẢI CHỦ ĐỘNG
Tháng Tám 3, 2024

SỰ CỐ HOÁ CHẤT – ỨNG PHÓ PHẢI CHỦ ĐỘNG

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, xu hướng phát triển bền vững đặt ra yêu cầu cấp thiết cho các doanh nghiệp Việt Nam trong xây dựng kế hoạch phòng ngừa các sự cố hóa chất, tránh rủi ro trong quá trình sản xuất kinh doanh. Đây cũng là giải pháp góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh và thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được nêu ra tại Tọa đàm trực tuyến “Nâng cao nhận thức trong xã hội về nguy cơ, sự cố hóa chất, tác hại và biện pháp phòng tránh” do tổ chức Tạp chí Công thương phối hợp với Cục Hóa chất, Bộ Công thương.

Doanh nghiệp chủ quan, lơ là

Theo thống kê, lượng hóa chất sử dụng của Việt Nam đang tập trung tại các nhà máy của các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh có nhiều khu công nghiệp. Bên cạnh các sản phẩm có thể dễ nhận thấy trong một số lĩnh vực nông nghiệp, dược phẩm, bảo vệ thực vật, hóa chất, tiêu dùng, hóa chất còn tham gia nhiều vào quá trình sản xuất, chế tạo của nhiều ngành kinh tế.

Với đặc tính của nhiều loại hóa chất độc, nguy hiểm là tính oxy hóa mạnh, ăn mòn mạnh, dễ cháy, độc cấp, tính độc hại đến môi trường nên khi xảy ra các sự cố rò rỉ, nổ cháy, nổ rất nguy hiểm.

Theo Cục trưởng Cục Hóa chất Nguyễn Văn Thanh, nhiều loại hóa chất khác nhau, tiềm ẩn những mức độ nguy cơ sự cố hóa chất khác nhau. Sự cố đơn giản nhất là vương vãi hóa chất. Đối với một số loại hóa chất có tính độc hại, tính khuếch tán, phát tán lớn thì việc vương vãi hóa chất hết sức nguy hiểm, đặc biệt đối với hóa chất có thể tác động ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và môi trường gây ngộ độc cấp tính hoặc là mãn tính, đấy là một trong những sự cố hóa chất thường gặp nhất và đơn giản nhất. Loại hình thứ hai là sự cố hóa chất có tính chất nguy hiểm hơn như nổ hoặc sự cố xì, rò dẫn đến nổ. Loại sự cố thứ ba phức tạp hơn, hết sức nguy hiểm là sự cố có thể dẫn đến vừa nổ, vừa cháy.

Hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật về quản lý hóa chất của nước ta đã được ban hành tương đối đầy đủ với Luật Hóa chất và các quy định pháp luật liên quan đã tạo hành lang pháp lý doanh nghiệp hoạt động liên quan đến hóa chất phải tự chịu trách nhiệm thực thi. Trong đó, Luật Hóa chất đã quy định hoạt động hóa chất là một trong những hoạt động có điều kiện và phải đảm bảo đảm đáp ứng được các yêu cầu về an toàn cho con người và đảm bảo về môi trường.

Các quy định pháp luật đã phân định rõ những hóa chất có thể gây cháy, nổ. Với những hóa chất có tính phát tán mạnh, có biện pháp kỹ thuật để phòng tránh và những biện pháp quản lý kỹ thuật để hoạt động hóa chất được an toàn. Tuy nhiên, theo ông Thanh vẫn còn tình trạng doanh nghiệp chủ quan, lơ là, thụ động, chỉ chú trọng quan tâm khi sự cố đã xảy ra. Một số cơ sở dù có quan tâm nhưng thực hiện mang tính đối phó, thực hiện chưa đầy đủ. Vi phạm phổ biến là chưa thực hiện việc xây dựng biện pháp, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố; chưa tổ chức huấn luyện an toàn hóa chất; chưa xây dựng được nội quy an toàn hóa chất cho cơ sở sản xuất, sắp xếp hóa chất trong kho chưa đảm bảo an toàn theo đúng các quy định hiện hành.

Nâng cao ý thức, chủ động ứng phó

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, cho đến nay chúng ta đã thực hiện được các quy định pháp luật về phòng ngừa và ứng phó khi xảy ra sự cố hóa chất được 13 năm. Những quy định này rất hữu dụng đối với các doanh nghiệp, cơ quan quản lý và người dân trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại tiềm tàng của hóa chất trong hoạt động hóa chất cũng như là sinh sống gần các khu công nghiệp có hoạt động hóa chất. Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng cần tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức và trách nhiệm thực thi quy định về quản lý hóa chất trong hoạt động hóa chất để đảm bảo an toàn cho con người và môi trường hơn nữa.

Đồng quan điểm với ông Thanh, nhiều đại biểu cho rằng, bên cạnh những quy định của pháp luật thì việc nâng cao ý thức và chủ động xây dựng kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, dự báo các nguy cơ gây ra sự cố và tình huống xảy ra sự cố, từ đó triển khai huấn luyện diễn tập hiệu quả để nâng cao năng lực ứng cứu là giải pháp hữu hiệu giúp các địa phương và doanh nghiệp phòng tránh, giảm thiểu sự cố hóa chất.

Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc Nguyễn Văn Dũng cho biết: Trong quá trình sản xuất Công ty phải lưu trữ và sử dụng rất nhiều hóa chất, trong đó có một số sản phẩm hóa chất độc hại, không nguy hiểm như lưu huỳnh, amiac, axit sulfuric… để phục vụ cho sản xuất sản phẩm của công ty. Những hóa chất này nếu rò rỉ ra bên ngoài nó sẽ gây độc hại, rất nguy hiểm với con người và môi trường.

Đã làm tốt việc quản lý, ứng phó, ngoài việc thực hiện các quy định của Luật hóa chất thì doanh nghiệp cũng thực hiện nghiêm túc Luật An toàn vệ sinh lao động và Luật Phòng cháy, chữa cháy bởi nếu rò rỉ hóa chất ra bao giờ cũng sẽ kèm theo cháy nổ.

Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng nhấn mạnh: Hà Nội có dân số đông, quy mô diện tích rộng, số lượng cơ sở sản xuất nhiều, tập trung tại 8 khu công nghiệp, 70 cụm công nghiệp đang hoạt động, rất nhiều làng nghề và nhiều cơ sở kinh doanh hóa chất trong nội thành. Hà Nội đã triển khai xây dựng kế hoạch, chương trình từng năm để thực hiện tốt nhất về phòng ngừa, ứng phó với các sự cố hóa chất. Từ đó đưa ra được những kịch bản để các cơ quan chuyên môn, lực lượng chuyên trách nắm bắt và ứng phó với từng tình huống sự cố hóa chất một cách chủ động khi thực tế xảy ra.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Thanh, trách nhiệm của doanh nghiệp là rất lớn trong việc phòng ngừa và xử lý sự cố hóa chất. Trước hết doanh nghiệp phải nhận thức và có chiến lược lâu dài để đảm bảo an toàn theo như tinh thần của khẩu hiệu “An toàn là số một”, bởi an toàn đồng hành với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Đặc biệt, người đứng đầu doanh nghiệp phải là người có nhận thức cao nhất trong hệ thống quản lý của doanh nghiệp về an toàn hóa chất và đảm bảo sức khỏe, môi trường.

Mặt khác, theo ông Thanh, vai trò của cộng đồng cũng hết sức quan trọng, là một trong những nhân tố tác động để doanh nghiệp thực hiện những giải pháp kỹ thuật và quản lý làm sao tốt nhất cho đảm bảo môi trường, an toàn con người.

(Visited 609 times, 1 visits today)

    Bình luận

Bài viết liên quan

Tháng Tám 3, 2024
[HỎI ĐÁP] KHI XẢY RA SỰ CỐ TRÀN DẦU/HÓA CHẤT NÊN SỬ DỤNG NHỮNG GÌ?

1/ Trang bị bảo hộ cá nhân Trang bị bảo hộ cá nhân Ảnh minh họa Bảo vệ tay (Găng tay an toàn kháng dầu/hóa chất)   Bảo vệ mắt (Kính bảo hộ lao động)   Bảo vệ cơ thể (Quần áo bảo hộ hoặc tạp dề)   Bảo vệ chân (Giày kín mũi hoặc […]

Tháng Tám 3, 2024
NHIỆT ĐIỆN VĨNH TÂN 4: DIỄN TẬP ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU, HOÁ CHẤT

Ngày 7/10 vừa qua, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 phối hợp với Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam (Trung tâm SOS Môi trường) tổ chức diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu (ƯPSCTD) và ứng phó sự cố hóa chất (ƯPSCHC) năm 2022 tại xã Vĩnh Tân, huyện […]

Tháng Tám 3, 2024
LỰA CHỌN THIẾT BỊ HÔ HẤP PHÙ HỢP (MẶT NẠ PHÒNG ĐỘC)

Lựa chọn mặt nạ phòng độc phù hợp là điều rất quan trọng. Dù có được chế tạo tốt như thế nào thì mặt nạ phòng độc cũng không thể bảo vệ bạn khỏi tất cả mọi mối nguy hiểm. Sau khi có kết quả đánh giá mức độ phơi nhiễm, bạn có thể lựa […]