TÀU CHỞ 4000 TẤN ĐÁ BỊ CHÌM SAU THỜI GIAN DÀI NEO ĐẬU TRÊN BIỂN
Trong quá trình neo đậu tại cảng Nghi Sơn, tàu Thành Hưng 41 không thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn neo đậu dài ngày, không bốc dỡ hàng hóa. Đến ngày 22/8 thì xảy ra sự cố chìm tàu chứa 4000 tấn đá tại khu vực giáp ranh giữa biển Thanh Hóa – Nghệ An.
Hai người trông coi tàu đã được ứng cứu, đưa vào bờ an toàn. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do tàu bị sóng đánh chìm.
Trước đó, ngày 14/12/2020, tàu Thành Hưng 41 xuất bến tại cảng Quy Nhơn (Bình Định) chở gần 4.000 tấn đá bịch, đến ngày 16/12/2020 tàu cập cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa). Tàu neo đậu tại đây nhưng không bốc dỡ hàng hóa.
Cảng vụ hàng hải Thanh Hóa đã nhiều lần có văn bản đôn đốc tàu khẩn trương bốc dỡ hàng hóa theo quy định nhưng chủ tàu không chấp hành.
Trong quá trình neo đậu tại cảng Nghi Sơn, tàu Thành Hưng 41 không thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn neo đậu dài ngày trong khu vực cảng biển. Tàu có hiện tượng bị rê neo, trôi dạt, tiềm ẩn mất an toàn hàng hải. Trang thiết bị máy móc trên tàu không sẵn sàng hoạt động, thiết bị báo hiệu, cảnh báo an toàn cho tàu thuyền khác cũng không có. Tàu Thành Hưng 41 cũng đã hết hạn đăng kiểm từ tháng 4/2021.
Để đảm bảo an toàn hàng hảo và phòng ngừa ô nhiễm môi trường, Cảng vụ hàng hải Thanh Hóa đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng thông báo về vị trí tàu chìm, để các tàu thuyền khác không bị đâm, va; đồng thời đôn đốc chủ tàu khẩn trương lập phương án trục vớt tàu Thành Hưng 41 theo quy định.
Nguồn: vietnamplus
———
Có thể thấy, không chỉ riêng sự cố tràn dầu mà bất kỳ sự cố môi trường nào cũng đều tiềm ẩn nguy cơ, sự cố có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào kể cả trong thời kì dịch bệnh. Đại dịch khiến cho công tác ứng cứu trở nên khó khăn hơn. Nhưng nếu không xử lý thì ảnh hưởng tới môi trường sẽ ngày càng nghiêm trọng. Vì thế, cần thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch nhưng phải thực hiên tốt công tác bảo về môi trường.