Tháng Một 22, 2025

Trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quy chế ứng phó sự cố chất thải

Thực tiễn thời gian qua cho thấy trên phạm vi cả nước đã xảy ra nhiều sự cố môi trường do chất thải gây ra, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Qua thực tiễn ứng phó sự cố môi trường cho thấy các cơ quan có thẩm quyền, các cấp chính quyền địa phương rất lúng túng, khó khăn trong ứng phó sự cố chất thải. Nguyên nhân chính là do thiếu quy định cụ thể về quy 2 trình ứng phó và trách nhiệm không rõ ràng trong ứng phó sự cố cả ở cấp quốc gia và địa phương…


Luật Bảo vệ môi trường đã có quy định về ứng phó sự cố môi trường (Điều 109); xây dựng lực lượng ứng phó sự cố môi trường (Điều 110); xác định thiệt hại do sự cố môi trường (Điều 111); trách nhiệm khắc phục sự cố môi trường (Điều 112). Chính phủ đã ban hành Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21/3/2017 quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (trong đó có sự cố môi trường). Tuy nhiên, các quy định ứng phó sự cố môi trường mới chỉ mang tính nguyên tắc, chưa có quy trình cụ thể, chưa rõ trách nhiệm và cơ chế phối hợp trong ứng phó từng loại sự cố môi trường, trong đó có sự cố chất thải.

Theo đó, mỗi loại sự cố môi trường cơ bản đều có quy định, quy chế ứng phó riêng như sự cố tràn dầu, sự cố cháy nổ, sự cố hóa chất độc, sự cố bức xạ.v.v. riêng sự cố chất thải lại chưa có quy chế, quy trình ứng phó trên thực tế.

Thực tiễn thời gian qua cho thấy trên phạm vi cả nước đã xảy ra nhiều sự cố môi trường do chất thải gây ra, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, điển hình là sự cố môi trường tại 04 tỉnh miền Trung do Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra năm 2016 và gần đây là sự cố đổ chất thải vào nguồn nước của Nhà máy nước Sông Đà gần đây. Qua thực tiễn ứng phó sự cố môi trường cho thấy các cơ quan có thẩm quyền, các cấp chính quyền địa phương rất lúng túng, khó khăn trong ứng phó sự cố chất thải. Nguyên nhân chính là do thiếu quy định cụ thể về quy 2 trình ứng phó và trách nhiệm không rõ ràng trong ứng phó sự cố cả ở cấp quốc gia và địa phương; năng lực ứng phó sự cố môi trường ở cấp địa phương còn bất cập; cơ chế và trách nhiệm phối hợp trong ứng phó sự cố môi trường chưa rõ ràng giữa các cơ quan có liên quan, giữa trung ương và địa phương; thiếu cơ chế cụ thể về huy động nguồn lực cho ứng phó sự cố môi trường…

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng việc xây dựng, ban hành Quy chế này là có đủ căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn. Thực tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều quy chế ứng phó với từng loại sự cố môi trường; để chi tiết hóa quy định ứng phó sự cố môi trường tại Luật Bảo vệ môi trường và ứng phó sự cố chất thải hiện đang là khoảng trống pháp lý hiện nay. Chính vì vậy, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định ban hành Quy chế ứng phó sự cố môi trường (sự cố chất thải).

Theo đó, dự thảo Quy chế này chỉ quy định rõ quy trình và cơ chế phối hợp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong ứng phó sự cố chất thải trên cơ sở các quy định nguyên tắc được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số quyết định quy định ứng phó một số loại sự cố môi trường, bao gồm: (1) Quyết định số 26/2016/QĐ-TTg ngày 01 tháng 7 năm 2016 ban hành Quy chế ứng phó sự cố hóa chất độc; (2) Quyết định số 02/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2013 ban hành quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu; (3) Quyết định số 104/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2019 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về phòng ngừa, phát hiện và chuẩn bị ứng phó nguy cơ, sự cố hóa học, sinh học, bức xạ và hạt nhân giai đoạn 2019 – 2025; (4) Quyết định 884/QĐ-TTg ngày 16 tháng 06 năm 2017 ban hành Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân cấp quốc gia.v.v. Do vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng với căn cứ pháp lý, thẩm quyền, phạm vi, nội dung điều chỉnh của dự thảo Quy chế thì hình thức Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là phù hợp.

Trong thời gian qua, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo Quy chế, trình Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, ý kiến góp ý của bộ, ngành có liên quan, Bộ đã tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Quy chế đảm bảo thống nhất, đồng bộ, hiệu quả.

Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Quy chế phù hợp với quy định của Luật bảo vệ môi trường và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Dự thảo quy định ứng phó sự cố chất thải trong quá trình thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý và xả chất thải, bao gồm: chuẩn bị ứng phó sự cố môi trường, tổ chức ứng phó sự cố môi trường, cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố môi trường – quy định này phù hợp với quy định tại Mục 3 Chương X Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định về xử lý ô nhiễm, phục hồi và cải thiện môi trường.

Ngoài ra, nội hàm sự cố môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường rất rộng, bao gồm sự cố thiên tai, sự có nhân tai và sự cố kết hợp giữa thiên tai và nhân tai. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành một số quy chế, quy định ứng phó sự cố môi trường như: Quy chế ứng phó sự cố hóa chất độc; Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu; Quy định ứng phó sự cố cháy nổ.v.v.. trong khi đó ứng phó sự cố chất thải hiện tại chưa được điều chỉnh bởi văn bản quy phạm pháp luật.

Từ những cơ sở nêu trên cho thấy, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Quy chế là phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ môi trường, đồng thời xử lý khoảng trống pháp luật và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Quy chế này không mâu thuẫn, chồng chéo với các quy chế, quy định có liên quan hiện hành.

Xác định phạm vi điều chỉnh của dự thảo Quy chế như vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường xin đề xuất chỉnh lý tên gọi của dự thảo Quy chế thành “Quy chế ứng phó sự cố chất thải” cho phù hợp phạm vi điều chỉnh và nội dung của dự thảo Quy chế.

Về cơ chế phối hợp, trách nhiệm xử lý, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thiện dự thảo Quy chế theo hướng làm rõ cơ chế phối hợp, trách nhiệm xử lý, nhất là trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nơi xảy ra sự cố và trách nhiệm của những người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc ứng phó, giải quyết, xử lý vấn đề ô nhiễm, suy thoái hoặc biến đổi môi trường do sự cố chất thải.

Theo đó, dự thảo Quy chế đã quy định rõ phân loại sự cố và trách nhiệm của Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp tương ứng với từng loại sự cố.

Dự thảo Quy chế đã quy định rõ người chỉ đạo ứng phó sự cố, người chỉ huy ứng phó sự cố, người phát ngôn về sự cố chất thải; đồng thời quy định rõ trách nhiệm chủ trì của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn; Ban chỉ huy ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp và cơ quan tài nguyên và môi trường các cấp theo phương châm “bốn tại chỗ” và “ba sẵn sàng” trong ứng phó sự cố chất thải.

Về quy trình ứng phó sự cố theo các bước công việc, thời gian và trách nhiệm thực hiện của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo 03 bước công việc gồm: (1) chuẩn bị ứng phó sự cố; (2) tổ chức ứng phó sự cố; (3) cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố.

Theo đó, mỗi một bước công việc cũng đã quy định rõ quy trình chi tiết và thể hiện rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan, từ người có thẩm quyền chỉ đạo, người chỉ huy hiện trường, người phát ngôn, cơ quan chủ trì ứng phó, cơ quan tham mưu, tổ công tác xác định nguyên nhân sự cố.v.v,

Quy trình cụ thể như sau:

Về tổ chức ứng phó sự cố chất thải, dự thảo Quy chế đã quy định rõ quy trình, bước cụ thể thực hiện bao gồm: Tiếp nhận thông tin về sự cố -> xử lý thông tin -> công bố thông tin sự cố và khuyến cáo cộng đồng -> chỉ định người chỉ huy, người phát ngôn -> thành lập sở chỉ huy và huy động lực lượng ứng phó sự cố -> tiến hành các hoạt động ứng phó sự cố và xác định nguyên nhân sự cố (nếu có) ->Công bố kết thúc ứng phó sự cố -> Cải tạo, phục hồi môi trường -> công bố kết thúc cải tạo, phục hồi môi trường.

Về yêu cầu quy định rõ trách nhiệm, phạm vi, nội dung thông báo, cung cấp, công bố thông tin và truyền thông của các cơ quan trong quá trình ứng phó sự cố đảm bảo chặt chẽ, thống nhất, tránh bị các thế lực thù địch lợi dụng để kích động, thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã làm rõ trách nhiệm thông báo, cung cấp, công bố thông tin về sự cố và thực hiện công tác truyền thông về sự cố theo hướng quy định việc cung cấp thông tin về sự cố chỉ được thực hiện thông quan người phát ngôn chính thức để bảo đảm tính thống nhất, chính xác và tránh việc thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong xã hội và ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội.

Theo đó người phát ngôn sẽ chịu trách nhiệm và chủ động cung cấp thông tin về sự cố cho các cơ quan truyền thông.

Đồng thời, dự thảo Quy chế cũng quy định cơ quan truyền thông có trách nhiệm đưa tin kịp thời, chính xác về sự cố.

Về quy định nguyên tắc, trách nhiệm huy động nguồn lực tại chỗ bảo đảm kịp thời, đáp ứng yêu cầu khẩn cấp của các hoạt động ứng phó sự cố, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thiện dự thảo Quy chế theo hướng quy định mang tính nguyên tắc để người có thẩm quyền có thể chủ động huy động khẩn cấp các nguồn lực tại chỗ để tổ chức ứng phó sự cố một cách kịp thời, theo hướng việc tổ chức ứng phó sự cố chất thải vượt quá khả năng ứng phó của cơ sở do nhà nước bố trí từ nguồn kinh phí dự phòng, nguồn sự nghiệp môi trường và các nguồn khác theo quy định pháp luật.

Dự thảo Quy chế cũng quy định tổ chức, cá nhân gây ra sự cố có trách nhiệm bồi hoàn các chi phí liên quan đến ứng phó và cải tạo, phục hồi môi trường cho Nhà nước.

Trong thời gian tới, để thống nhất các quy định pháp luật khác nhau về ứng phó các sự cố môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đề xuất các quy định điều chỉnh tổng thể, bao quát về ứng phó sự cố môi trường trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.


Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường

    Bình luận

Bài viết liên quan

Tháng Một 22, 2025
SOS MÔI TRƯỜNG: TẬP HUẤN NÂNG CAO NĂNG LỰC ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU TẠI TỈNH KHÁNH HOÀ

Ngày 31.07.2024, Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường Khánh Hòa tổ chức lớp tập huấn kỹ năng ứng phó sự cố tràn dầu cho hơn 200 học viên là cán bộ, công nhân viên thuộc các cảng biển, bến thủy nội địa, […]

Tháng Một 22, 2025
DIỄN TẬP SỰ CỐ TRÀN DẦU TẠI KHO CẢNG BÌNH THẮNG

Chiều 25-12, Tổng Công ty Xuất nhập khẩu Thanh Lễ phối hợp với Trung tâm SOS Môi trường tổ chức buổi diễn tập sự cố tràn dầu tại Kho cảng xăng dầu Bình Thắng (TP.Dĩ An). Diễn tập xử lý sự cố tràn dầu ở Kho cảng Bình Thắng  Tình huống giả định, trong quá […]

Tháng Một 22, 2025
FUTURE BLUE INNOVATION 2024: Hành Trình Xanh Của Thế Hệ Trẻ

Cuộc thi “Future Blue Innovation 2024” – Sáng tạo vì một hành tinh xanh do Thành đoàn Hà Nội tổ chức đã tạo ra một sân chơi ý nghĩa và bổ ích nhằm thúc đẩy sự sáng tạo và tìm kiếm những sáng kiến bảo vệ môi trường trong đoàn viên, thanh niên là học […]