Trang chủ > Truyền thông > THIẾT LẬP MẠNG LƯỚI TOÀN QUỐC CÁC TRẠM TRỰC SOS ĐỂ KỊP THỜI ỨNG PHÓ VỚI SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG
Tháng Một 10, 2024

THIẾT LẬP MẠNG LƯỚI TOÀN QUỐC CÁC TRẠM TRỰC SOS ĐỂ KỊP THỜI ỨNG PHÓ VỚI SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG

Vai trò của các đơn vị ứng phó sự cố môi trường chuyên nghiệp không chỉ ứng cứu khi có sự cố xảy ra mà quan trọng hơn, họ có đủ kiến thức và năng lực kiểm tra kỹ thuật định kì về an toàn, phòng ngừa sự cố, kịp thời phát hiện các rủi ro tiềm ẩn có thể dẫn đến sự cố. Đây cũng là lực lượng chính giúp cơ quan quản lý nhà nước kịp thời nắm vững thông tin chính xác về công tác phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường (SCMT) tại các khu công nghiệp, quận, huyện, tỉnh, thành phố thông qua các báo cáo được thực hiện một cách chuyên nghiệp, độc lập và định kì theo yêu cầu.

Nhận diện năng lực công tác ứng phó sự cố môi trường hiện nay

Hiện nay, ở Việt Nam có 3 Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu quốc gia khu vực miền Bắc, Trung và Nam, chuyên xử lý về các sự cố tràn dầu trên biển. Các trung tâm này không xử lý các sự cố tràn dầu trên các tuyến giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, nhất là các khu vực nước nông, khu vực khó tiếp cận; không xử lý các sự cố tại các khu công nghiệp, các nhà máy; không tham gia công hoạt động phục hồi môi trường sau sự cố. Còn liên quan đến các sự cố về hóa chất, Binh chủng Hóa học thuộc Bộ Quốc phòng không ứng cứu các sự cố hóa chất của doanh nghiệp (DN).

Các DN rất khó có thể huy động nguồn lực quốc gia để ứng cứu sự cố tràn dầu, sự cố hóa chất xảy ra tại cơ sở của mình bởi các lý do sau đây:

– Các trung tâm ứng phó sự cố quốc gia hoạt động bằng ngân sách nhà nước, không cung cấp dịch vụ ứng phó sự cố cho DN hoặc người dân, có nhiệm vụ ứng cứu sự cố cấp quốc gia hoặc sự cố cấp tỉnh, và chỉ huy động nguồn lực khi nhận được lệnh điều động của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc Phòng.

– DN có thể huy động được nguồn lực ứng phó quốc gia, nhưng phải thông qua UBND cấp tỉnh. UBND cấp tỉnh có công văn đề nghị Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hỗ trợ. Trên cơ sở đó, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn sẽ điều động trung tâm ứng phó sự cố quốc gia làm việc với DN (vì bên gây sự cố phải trả tiền). Sau khi DN hoàn tất các thủ tục cần thiết, nguồn lực quốc gia mới được huy động tới hiện trường sự cố.

– Vị trí xảy ra sự cố tại cơ sở của DN thường cách xa trung tâm ứng phó sự cố quốc gia, và các trung tâm quốc gia cũng nằm cách xa nhau nên rất khó có mặt kịp thời tại hiện trường sự cố để ứng cứu. Hậu quả là từ sự cố cấp cơ sở diễn biến thành sự cố lớn hơn cấp huyện, cấp tỉnh, ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài đến sức khỏe con người và môi trường.

Với sự quan tâm lớn của chính phủ đối với công tác phòng ngừa ứng phó SCMT bằng việc ban hành nhiều văn bản qui định trong những năm gần đây, các địa phương đã đẩy mạnh tăng cường công tác tuyên truyền, quản lý, giám sát, kiểm tra các DN có nguy cơ gây sự cố. Tuy nhiên công tác phòng ngừa ứng phó sự cố tràn dầu – hóa chất ở một số địa phương vẫn còn nặng về hình thức, từ xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố còn coi nhẹ khâu phòng ngừa và bị hiểu hạn chế như thủ tục hành chính cần hoàn thiện; trang thiết bị ứng phó sự cố chuyên dụng không có sẵn sàng tại chỗ hoặc chỉ có mang tính đối phó; công tác đào tạo, huấn luyện, diễn tập ứng phó chưa thực sự được chú trọng thực chất. Những điểm yếu đó đã bộc lộ rất rõ khi có sự cố thực tế. Cụ thể:

– Nhiều DN hoàn toàn không có hoặc không đủ năng lực ứng cứu khi sự cố xảy ra do trang thiết bị vật tư chuyên dụng không có sẵn sàng tại chỗ, hoặc có nhưng chủng loại thiết bị đó không sử dụng được, không phù hợp, mặc dù đầu tư rất tốn kém. Đồng thời cũng không thể huy động được nguồn lực hỗ trợ từ các DN lân cận vì các DN lân cận cũng không có trang thiết bị.

– Công tác chỉ đạo, chỉ huy hoạt động ứng cứu sự cố các cấp còn lúng túng do công tác đào tạo, huấn luyện, diễn tập ứng phó chưa chú trọng vào thực chất.

– Khi xảy ra sự cố, nhiều DN không thông báo cho các cơ quan quản lý biết vì sợ bị phạt nên khi sự cố xảy ra đã ém nhẹm nên để lại hậu quả nghiêm trọng. Nhiều vụ việc có diễn biến phức tạp, cơ quan quản lý không nhận được thông báo khẩn cấp nên hoạt động ứng phó không thành công, làm ô nhiễm lan rộng phát tán ra ngoài môi trường, thẩm thấu vào lòng đất,…

Đã có trên 90 trạm ứng phó sự cố về môi trường ở các điểm có nguy cơ cao

Sau nhiều năm lăn lộn với công tác ứng phó, phục hồi môi trường sau sự cố, Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam (SOS) hiểu rất rõ bản chất của từng loại sự cố và cách ứng phó làm sao kịp thời hiệu quả, và đã thiết lập phát triển một mạng lưới trên 90 trạm ứng phó SCMT do dầu – hóa chất tại nhiều điểm tiềm ẩn nguy cơ cao. Trên cơ sở áp dụng sáng tạo phương châm 4 tại chỗ “trang bị tại chỗ, nhân lực tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ” của Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, Trung tâm SOS đã xây dựng và hoàn thiện chiến lược ứng phó, bố trí nguồn lực căn cứ vào đặc thù của từng khu vực. Hoạt động nghiên cứu sản xuất cải tiến trang bị chuyên dụng của SOS được đặc biệt quan tâm, giúp cho việc ứng phó các sự cố với quy mô khác nhau tại nhiều địa phương trên cả nước với chi phí thấp nhất.

Đến nay nguồn lực của Trung tâm SOS đã có mặt ở hầu hết các địa phương trong cả nước. Đến tháng 6/2023, SOS đã xử lý gần 200 sự cố môi trường với qui mô, tính chất đa dạng phức tạp khác nhau ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, như: Lạng Sơn, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Bình Thuận, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hồ Chí Minh, Hậu Giang.

Trung tâm SOS luôn chú trọng việc nâng cao nhận thức của các DN thông qua chia sẻ những bài học thực tế hết sức sinh động và ấn tượng về tính phức tạp trong xử lý sự cố, thiệt hại to lớn về uy tín, kinh tế đối với DN, hậu quả nghiêm trọng lâu dài đối với sức khỏe và môi trường từ các sự cố điển hình do Trung tâm SOS đã ứng cứu. Từ đó phần tập huấn kỹ năng thực hành do Trung tâm SOS tổ chức ngoài trời tại  kho cảng mặc dù khiến cho các học viên rất vất vả, nhưng nhận được sự đồng tình ủng hộ của các cơ quan quản lý và các DN, bởi các khóa tập huấn thực hành đó luôn hướng tới trang bị cho học viên của DN và địa phương những kĩ năng ứng phó sự cố thực tế.

Một số đề xuất với các bộ, ngành quản lý về môi trường

Để tăng cường năng lực quản lý và năng lực thực tế trong phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường, với kinh nghiệm xuất phát từ thực tiễn nhiều năm hoạt động, chúng tôi xin nêu một số đề xuất chính như sau:

– Cần rà soát các điểm bất cập trong các văn bản qui định phát sinh trong quá trình thực hiện, để công tác phòng ngừa và ứng phó SCMT đi vào hiệu quả thực tế, đồng thời giúp giảm nhiều chi phí cho các DN.

– Tăng cường năng lực của các cấp quản lý ngay từ khâu thẩm định phê duyêt các kế hoạch phòng ngừa ứng phó SCMT, gắn liền việc thẩm định kế hoạch với việc thường xuyên kiểm tra kết quả triển khai kế hoạch trên thực tế của các DN. Đây là khâu quan trọng nhất để công tác phòng ngừa ứng phó SCMT được triển khai một cách thực chất. Việc tăng cường năng lực này sẽ thông qua các khóa tập huấn chuyên sâu, có tiêu trí đánh giá người đủ điều kiện chuyên môn để tham gia làm thành viên hội đồng thẩm định.

– Coi lực lượng ứng phó SCMT chuyên nghiệp không hoạt động bằng ngân sách nhà nước là lực lượng thiết yếu song hành cùng các lực lượng quốc gia. Phương án này góp phần tăng cường năng lực phòng ngừa và ứng cứu SCMT tại các địa phương, giúp giảm thiểu chi ngân sách, tiết kiệm chi phí cho các DN, tăng cường năng lực cạnh tranh của các DN trong nền kinh tế hội nhập, đồng thời góp phần triển khai hiệu quả Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020. Tuy nhiên cũng cần có tiêu chí xác định rõ thế nào là “lực lượng ứng phó SCMT chuyên nghiệp”, tránh phát sinh các lực lượng ứng phó chỉ mang tính hình thức nhằm “lách” các qui định hiện hành.

Phạm Văn Sơn

Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam

Nguồn: Báo Tài nguyên và Môi trường, Kì 1 – Tháng 7/2023

Xem chi tiết tại đây

(Visited 14 times, 1 visits today)

    Bình luận

Bài viết liên quan

Tháng Một 10, 2024
DIỄN TẬP SỰ CỐ TRÀN DẦU TẠI KHO CẢNG BÌNH THẮNG

Chiều 25-12, Tổng Công ty Xuất nhập khẩu Thanh Lễ phối hợp với Trung tâm SOS Môi trường tổ chức buổi diễn tập sự cố tràn dầu tại Kho cảng xăng dầu Bình Thắng (TP.Dĩ An). Diễn tập xử lý sự cố tràn dầu ở Kho cảng Bình Thắng  Tình huống giả định, trong quá […]

Tháng Một 10, 2024
NHỮNG HÌNH ẢNH MỚI NHẤT CỨU HỘ LOẠT TÀU GẶP NẠN Ở BIỂN MIỀN TRUNG

Tới chiều 6-12, 4 tàu hàng gặp nạn và trôi dạt vào biển miền Trung vẫn lấp lửng trên sóng. Ở một vài nơi thời tiết xấu khiến việc cứu hộ, xử lý tràn dầu gặp khó khăn. Tàu New Energy mắc cạn tại vùng biển giáp ranh Quảng Nam với Quảng Ngãi Trung tá […]

Tháng Một 10, 2024
KHẨN CẤP ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU 4 TÀU SẮT DẠT VÀO BIỂN MIỀN TRUNG

Không chỉ tàu “ma” dạt vào Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) mà trên vùng biển miền Trung nhiều ngày qua ghi nhận 3 vụ tàu sắt gặp sự cố dạt vào bờ và buộc phải ứng phó, xử lý sự cố tràn dầu. Tàu Nam Phát 1 đang nửa chìm nửa nổi ở […]