Trang chủ > Truyền thông > XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO KHI CÓ NẠN NHÂN BỊ BỎNG HOÁ CHẤT (AXIT, KIỀM,…)
Tháng Một 10, 2024

XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO KHI CÓ NẠN NHÂN BỊ BỎNG HOÁ CHẤT (AXIT, KIỀM,…)

Hiện tượng bỏng hóa chất là dạng bỏng có khả năng gây ra các tổn thương nghiêm trọng và làm cho nạn nhân vô cùng đau đớn nếu không có biện pháp sơ cấp cứu phù hợp.

Theo số liệu thống kế tại Việt Nam, tai nạn bỏng hóa chất chiếm tỷ lệ từ 5-6% trong các loại bỏng. Bỏng hóa chất có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào có hoạt động lưu chứa, sử dụng, vận chuyển hoá chất. Ví dụ như trong gia đình, tại nơi làm việc hay trường học, hoặc kết quả của tai nạn, hành hung. Nếu không được xử lý kịp thời, vết bỏng có thể biến chứng nguy hiểm và gây tử vong.

Bỏng hóa chất là tình trạng bỏng xảy ra khi da hoặc mắt tiếp xúc với các loại hóa chất như axit hoặc bazơ. Bỏng hóa chất có thể gây ra các phản ứng phá huỷ trên da hoặc trong cơ thể nạn nhân, làm tổn thương các cơ quan nội tạng nếu không may nuốt hóa chất vào người.

Hãy gọi đường dây nóng cấp cứu 115 ngay lập tức nếu bạn phát hiện ra có người bị bỏng hóa chất và bị bất tỉnh.

Những đối tượng có nguy cơ bị bỏng hóa chất
Những đối tượng có nguy cơ cao nhất bị bỏng do hóa chất là nhân viên làm việc trực tiếp với hoá chất tại các cơ sở sản xuất, phương tiện vận tải. Ngoài ra tại các hộ gia đình thì trẻ nhỏ, người cao tuổi và những người tàn tật là những đối tượng dễ bị tổn thương khi tiếp xúc với sản phẩm hoá chất bởi họ có thể không đủ khả năng xử trí khi tiếp xúc với các hóa chất.

Bạn cũng sẽ có khả năng bị bỏng hóa chất nếu tiếp xúc với các chai lo đựng hóa chất mà không có dụng cụ bảo vệ.

Nguyên nhân gây bỏng hóa chất
Acid và kiềm mạnh là các chất hóa học chủ yếu gây bỏng hóa chất. Ngoài ra, phốt pho dùng trong công nghiệp hoặc vôi mới tôi có thể gây nên tổn thương bỏng nặng và làm nạn nhân rất đau đớn. Bỏng có thể xảy ra tại trường học, nơi làm việc hoặc bất cứ địa điểm nào có hóa chất.

Một số sản phẩm có thể gây bỏng hóa chất: acid trong ắc qui xe hơi, thuốc tẩy trắng, amoniac, chất làm sạch răng giả, các sản phẩm làm trắng răng, sản phẩm khử trùng nước hồ bơi chứa clo.

Triệu chứng bỏng hóa chất
Các dấu hiệu và triệu chứng của bỏng hóa chất còn tùy thuộc vào các nguyên nhân gây bỏng khác nhau. Cụ thể là: loại hóa chất được hít hoặc nuốt phải, thời gian da tiếp xúc với hóa chất, tình trạng da: có vết thương hở, vết cắt hay còn nguyên vẹn khi tiếp xúc với hóa chất, vị trí tiếp xúc với hóa chất, hóa chất thuộc dạng nào? (khí, lỏng hay rắn), số lượng và độ mạnh của loại hóa chất sử dụng.

Dưới đây là một số triệu chứng phổ biến khi bị bỏng hóa chất:
– Da chết hoặc cháy đen
– Da bị kích ứng, mẩn đỏ, bỏng rát tại vùng tiếp xúc với hóa chất
– Đau hoặc tê ở vùng bị ảnh hưởng
– Thay đổi tầm nhìn, mất thị lực nếu hóa chất tiếp xúc với mắt

Các triệu chứng có thể xảy ra khi nạn nhân nuốt phải hoá chất, bao gồm:
– Nhức đầu, chóng mặt
– Huyết áp giảm
– Nhịp tim không ổn định
– Tim ngừng đập hoặc bị nhồi máu cơ tim
– Khó thở, ho
– Co giật cơ bắp

Điều trị nạn nhân bỏng hoá chất
Bác sĩ sẽ phân loại bỏng hóa chất dựa theo mức độ tổn thương và độ sâu của vết bỏng để quyết định hướng điều trị:
– Tổn thương ở phần da trên cùng, hoặc lớp biểu bì, gọi là bỏng nông. Đây là bỏng cấp độ 1.
– Tổn thương ở lớp da thứ hai, hoặc ở lớp hạ bì gọi là bỏng dày cục bộ. Đây là bỏng cấp độ 2.
– Tổn thương ở lớp da thứ ba, hoặc lớp mô dưới da, được gọi là bỏng dầy toàn bộ. Đây là bỏng cấp độ 3.

Sơ cấp cứu nạn nhân bỏng hoá chất
– Rửa ngay, rửa liên tục bằng nước sạch càng nhiều càng tốt. Tốt nhất là rửa dưới vòi nước chảy, nếu không các bộ phận cơ thể ở vùng bỏng sẽ bị hoại tử hoàn toàn. Nếu bỏng mắt do hóa chất cần được rửa mắt bằng vòi trong ít nhất 20 – 30 phút. Nếu trong mắt vẫn còn những hạt vôi nhỏ thì phải rửa mạnh để làm bật những hạt vôi đó ra.
– Nếu nạn nhân nuốt phải hoá chất, tuyệt đối không gây nôn mửa vì có thể làm tổn thương thêm nội tạng. Cần uống nhiều nước để làm loãng hoá chất trong dạ dày.
– Phải nhanh chóng cởi bỏ ngay quần áo bị dính hóa chất. Khi tháo phải lưu ý bảo vệ tay của người làm động tác đó (không dùng tay trần để tháo). Không cởi quần áo nếu quần áo dính vào da vì rất dễ gây lột da, tốt nhất là nên xé bỏ quần áo dính hoá chất.
– Nếu vết bỏng chảy nhiều máu thì phải sau khi rửa sạch dưới vòi nước nên băng vết bỏng lại. Lưu ý không băng chặt và phải dùng bông, gạc sạch.
Sau khi sơ cứu xong, cần chuyển ngay nạn nhân tới trung tâm y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Phòng chống sốc bỏng
Sốc bỏng là một trạng thái phản ứng toàn thân của cơ thể khi bị chấn thương bỏng với mức độ tổn thương mô lớn gây rối loạn bệnh lý: suy sụp tuần hoàn, rối loạn hô hấp, rối loạn cân bằng nước điện giải, rối loạn cân bằng kiềm toan trong cơ thể.

Để phòng chống sốc bỏng cần làm như sau:
– Đặt nạn nhân ở tư thế nằm. Động viên an ủi nạn nhân
– Cho nạn nhân uống nước vì nạn nhân rất khát nhất là khi phải chuyển nạn nhân đi xa. Chú ý chỉ cho nạn nhân uống nước khi nạn nhân tỉnh táo, không bị nôn và không có những chấn thương khác. Có thể cho nạn nhân uống nước đường hoặc oresol.
– Dùng thuốc aspirin giảm đau cho nạn nhân. Trước khi dùng thuốc giảm đau phải chú ý nếu nghi ngờ nạn nhân có chấn thương bên trong thì không được dùng thuốc giảm đau, an thần mạnh.
– Nhanh chóng chuyển nạn nhân tới cơ sở điều trị càng sớm càng tốt.

Phòng tránh bỏng do hóa chất
Phòng tránh các tai nạn bỏng do hóa chất bằng cách tuân thủ theo những quy tắc an toàn khi tiếp xúc với hóa chất, bao gồm:
– Để hóa chất xa tầm tay trẻ em.
– Bảo quản hóa chất trong các bình chứa phù hợp và an toàn sau khi sử dụng.
– Sử dụng hóa chất trong phòng thoáng khí.
– Hóa chất phải được giữ trong đúng bình chứa và có ghi nhãn rõ ràng bên ngoài.
– Nếu có thể nên tránh sử dụng hóa chất.
– Không nên trộn lẫn các loại hóa chất với nhau.
– Chỉ mua những hóa chất được đựng trong những bình chứa còn nguyên vẹn.
– Bố trí vị trí bảo quản hóa chất xa đồ ăn thức uống.
– Đeo găng tay và các thiết bị bảo hộ khi sử dụng hóa chất.

Trên đây là một số thông tin cơ bản về công tác ứng cứu người bị nạn khi xảy ra sự cố hoá chất.
TRUNG TÂM ỨNG PHÓ SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG VIỆT NAM
HOTLINE: 1800 6558
Toà nhà A5, Làng quốc tế Thăng Long, đường Trần Đăng Ninh, quận Cầu Giấy, Hà Nội
sos@sosmoitruong.com

(Visited 2.112 times, 6 visits today)

    Bình luận

Bài viết liên quan

Tháng Một 10, 2024
[HỎI ĐÁP] KHI XẢY RA SỰ CỐ TRÀN DẦU/HÓA CHẤT NÊN SỬ DỤNG NHỮNG GÌ?

1/ Trang bị bảo hộ cá nhân Trang bị bảo hộ cá nhân Ảnh minh họa Bảo vệ tay (Găng tay an toàn kháng dầu/hóa chất)   Bảo vệ mắt (Kính bảo hộ lao động)   Bảo vệ cơ thể (Quần áo bảo hộ hoặc tạp dề)   Bảo vệ chân (Giày kín mũi hoặc […]

Tháng Một 10, 2024
NHIỆT ĐIỆN VĨNH TÂN 4: DIỄN TẬP ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU, HOÁ CHẤT

Ngày 7/10 vừa qua, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 phối hợp với Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam (Trung tâm SOS Môi trường) tổ chức diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu (ƯPSCTD) và ứng phó sự cố hóa chất (ƯPSCHC) năm 2022 tại xã Vĩnh Tân, huyện […]

Tháng Một 10, 2024
LỰA CHỌN THIẾT BỊ HÔ HẤP PHÙ HỢP (MẶT NẠ PHÒNG ĐỘC)

Lựa chọn mặt nạ phòng độc phù hợp là điều rất quan trọng. Dù có được chế tạo tốt như thế nào thì mặt nạ phòng độc cũng không thể bảo vệ bạn khỏi tất cả mọi mối nguy hiểm. Sau khi có kết quả đánh giá mức độ phơi nhiễm, bạn có thể lựa […]